Chủ đầu tư D.A này là Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), thành lập ngày 17/5/2007 với 2.400 tỷ đồng vốn điều lệ, gồm 9 cổ đông: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (chiếm 30% tổng vốn đóng góp); Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (24%); Tổng Công ty Thép Việt Nam (20%); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (4%); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (5%); Tập đoàn Sông Đà (5%); Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (5%); Công ty TNHH Sản xuất, XNK Bình Minh (4%) và Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long (3%).

Vào thời điểm năm 2007, sự góp mặt của các “ông lớn” trong thành phần cổ đông như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà hay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã được xem như đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của D.A mỏ sắt Thạch Khê.

Tháng 9/2009, D.A này được phát lệnh khởi công, bắt đầu từ gói thầu bóc đất tầng phủ. Tại lễ khởi công này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định: Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là một D.A trọng điểm quốc gia, cung cấp nguyên liệu quan trọng cho các D.A chế tạo gang thép trong nước, thu hút thêm nhiều D.A phụ trợ, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh phát triển trở thành trung tâm công nghiệp ở khu vực Bắc Trung bộ.

Như thế mới hay rằng, không chỉ riêng người dân Hà Tĩnh mà ngay cả lãnh đạo Nhà nước cũng đặt nhiều kỳ vọng vào D.A mỏ sắt Thạch Khê, xem việc thực hiện D.A này sẽ là hiệu ứng đòn bẩy, giúp một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho ngành Công nghiệp luyện thép của đất nước.

Theo kế hoạch, việc bóc tách tầng đất phủ để tiếp cận mỏ sắt sẽ được tiến hành trong vòng 17 tháng kể từ ngày khởi công, với khối lượng bốc xúc trên 13 triệu m3, độ sâu âm 28m. Dự tính đến quí I/2011, D.A sẽ hoàn thành việc bốc xúc tầng đất và bắt đầu tiếp cận khai thác thân quặng. Thế nhưng, đến thời điểm này, tầng đất phủ của D.A mỏ sắt Thạch Khê vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, việc bóc tách ì ạch, chậm tiến độ trong một thời gian quá dài.

Nguyên nhân của sự chậm tiến độ này được cho là thiếu vốn, do các cổ đông không thực hiện hoặc chậm thực hiện việc góp vốn như cam kết ban đầu. Theo kế hoạch, trong vòng 6 năm từ 2008 - 2013, chính quyền huyện Thạch Hà phải thực hiện việc di dời 3.952 hộ dân với 16.861 nhân khẩu ra khỏi vùng D.A. Thế nhưng đến nay, mới chỉ di dời, tái định cư được 70 hộ dân ở khu vực mỏ, nghĩa là kế hoạch mới chỉ thực hiện được chưa đầy 1,8%. Đó là chưa kể đến sự không hài lòng của những hộ dân đã được di dời, do kết cấu hạ tầng và điều kiện sinh hoạt nơi tái định cư còn nhiều bất cập. Sự ì ạch kéo dài, người dân vùng mỏ thì luôn phải sống trong cảnh bất an.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà buồn bã thừa nhận: “Công tác kiểm đếm đã hoàn thành nhưng vẫn không thể tiến hành di dời, do chủ đầu tư chưa cấp kinh phí bồi thường, hỗ trợ”.

Sự chậm trễ trong việc góp vốn của các cổ đông, nguyên nhân một phần do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong những năm gần đây. Phần nhiều, do những khó khăn phát sinh chưa được các nhà  khảo sát đến.

Theo các cứ liệu chúng tôi thu thập được cho thấy, năm 2010, các cổ đông đã không chịu thực hiện góp 1.300 tỷ đồng theo cam kết, mà chỉ góp được 221,5 tỷ đồng  - đây là số vốn còn thiếu của năm 2009. Năm 2013, tổng vốn góp của các cổ đông cũng chỉ ở mức 144,139 tỷ đồng.

Tình trạng chậm góp vốn đã làm tiến độ của D.A bị ảnh hưởng nặng nề, khiến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phải vào cuộc chấn chỉnh.

Tháng 4/2011, Bộ Công thương đã chủ trì cuộc họp đặc biệt về việc tái cơ cấu tỷ lệ góp vốn của TIC nguyên nhân do một số cổ đông đã không thực hiện việc góp vốn theo lộ trình đã cam kết, khiến tiến độ thực hiện D.A bị đe dọa.

Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 4/9 cổ đông gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam phải thoái vốn tại TIC để tập trung nguồn vốn cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính; nhưng ngược lại cũng đồng thời yêu cầu các cổ đông khác phải góp đủ vốn để khẩn trương triển khai các công tác liên quan.

Cùng với sự thoái vốn của 4 cổ đông nói trên, việc các cổ đông còn lại “quên” nghĩa vụ góp vốn trong một thời gian dài đã khiến tình hình tài chính của TIC trở nên hết sức khó khăn.

Trong tình hình đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đang là giải pháp được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, việc đánh giá đúng năng lực của nhà đầu tư cũng như cơ chế thu hút đầu tư đang khiến lãnh đạo địa phương và Hội đồng Quản trị TIC phải có những tính toán cẩn trọng.

Trước tình hình trên, ngày 8/9/2014, Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - cổ đông lớn nhất của TIC, để nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện D.A. Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với tư cách là cổ đông nắm quyền chi phối của TIC sớm điều chỉnh, công bố công khai quy hoạch tổng thể, chi tiết của D.A khai thác mỏ, giải phóng mặt bằng tái định cư và lộ trình thực hiện kế hoạch này để nhân dân trong vùng ảnh hưởng được yên tâm; đồng thời tập trung nguồn lực để thực hiện các phần việc theo đúng kế hoạch.

Cơ chừng như, chính quyền địa phương Hà Tĩnh đang dần hết kiên nhẫn trước tình trạng bế tắc kéo dài của D.A mà mấy năm trước đây vẫn được  ngợi ca bằng cụm từ “mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á”. Thế nhưng, với người dân vùng mỏ, họ vẫn từng ngày sống chung với tình trạng đói nghèo, thiếu nước sinh hoạt.

Ghi nhận từ ánh mắt, tâm nguyện của người dân nơi đây chúng tôi xin được chuyển lời khẩn cầu của họ: Ước mơ được chứng kiến một “đại công trường khai khoáng” dường như đã bị vùi sâu - sâu như những vỉa quặng, dưới lòng đất kia!

Kỳ 3: Hệ lụy nhãn tiền và lời giải nào cho bài toán thiếu vốn?

Kiên Tùng - Quang Trần