Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Công tác di dời người dân đến địa điểm an toàn được huyện thực hiện gấp rút từ trưa 24/12 ngay sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh. Toàn huyện đã di dời gần 5.000 người đến điểm an toàn, trong đó xã đảo Thạnh An di dời hơn 800 người đến trụ sở UBND xã, nhà văn hóa và trường học; hướng dẫn hơn 1.000 phương tiện đánh bắt cá vào nơi neo đậu an toàn, kêu gọi những hộ nuôi thủy sản và các chòi canh vào đất liền. Các đò ngang, đò dọc trên địa bàn huyện đã dừng hoạt động, các tàu, đò đã neo đậu vào nơi an toàn. 

Trước đó, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND huyện Cần Giờ trong chiều 24/12 buộc phải di dời người dân đang sinh sống trong những căn nhà không an toàn vào nơi an toàn. Đồng thời, toàn bộ học sinh trên địa bàn huyện Cần Giờ được nghỉ học ngày 25, 26/12. 

Tại Tiền Giang đã thực hiện phương án di dời người dân, tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. 

Huyện Gò Công Đông chuẩn bị lực lượng và phương tiện xe thực hiện cứu hộ đê biển, điều động cứu hộ khi cần thiết. Tại huyện Tân Phú Đông, huyện cù lao duy nhất của tỉnh Tiền Giang, từ sáng sớm 25/2, hàng ngàn người dân đã chuẩn bị đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để rời đi tránh bão. Ông Lê Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, toàn huyện có gần 44.000 nhân khẩu. Huyện đã xây dựng phương án cụ thể, đối phó với bão và thiên tai hàng năm theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. 

Đến đầu giờ chiều 25/12, TP Cần Thơ đã hoàn tất công tác di dời dân trên khu vực Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TPCần Thơ) nằm giữa sông Hậu và khu vực đầu Cồn Khương (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) vào đất liền tránh bão. 

Toàn bộ học sinh trên địa bàn TP Cần Thơ cũng được nghỉ học ngày 25 và 26/12 để tránh bão. 

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công tác phòng chống bão số 16 đang được thực hiện khẩn trương. 

Tại huyện Côn Đảo, dến đầu giờ chiều 25/12, qua kiểm tra, soát xét của chính quyền các địa phương, bộ đội biên phòng, toàn bộ người dân đã di dời đến nơi an toàn. Tàu bè neo đậu trong các cảng, trên sông đều được hướng dẫn neo đậu, chằng buộc đúng quy cách để hạn chế va đập, cháy nổ. 

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, đến 14 giờ ngày 25/12, địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời, sơ tán hơn 41.000 người dân đến nơi an toàn để tránh bão số 16. 

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bến Tre, toàn tỉnh đã thông tin, kêu gọi được 3.207 phương tiện với 16.450 người; trong đó đang neo đậu có 3.081 phương tiện với 15.605 người… Hiện nay, các khu du lịch ven biển, các cồn, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng hoạt động. 

Trước diễn biến bất thường của bão số 16, sáng 25/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu cùng lực lượng chức năng đã đến khu vực neo đậu các bè cá thuộc địa bàn huyện Long Hồ và thành phố Vĩnh Long để hướng dẫn, vận động người dân neo đậu bè, nhanh chóng di dời đến nơi tránh bão an toàn. 

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã sơ tán hơn 2.390 hộ dân với hơn 3.800 người đến nơi ở an toàn để tránh bão số 16. Hiện tỉnh đã bố trí gần 40 điểm trú bão an toàn tại các cơ quan, trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, nhà văn hóa, trường học… 

P.V