Ngày 9/1/2017, Bộ TN&MT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Năm 2016 biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra nhanh hơn dự báo kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: Thiên tai, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở ĐBSCL, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự và sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước…

Trong bối cảnh đó, ngành TN&MT đã nghiêm túc quán triệt nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, sáng tạo vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên tất cả các mặt công tác, các lĩnh vực được phân công. Công tác quản lý Nhà nước về TN&MT có nhiều chuyển biến tích cực, hoàn thiện chính sách, pháp luật, bám sát yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm tính công khai minh bạch, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, loại bỏ các rào cản để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động đã được cập nhật phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH.

Công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Công tác này cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa lực lượng của các ngành, giữa Trung ương và địa phương, qua đó phát huy tổng hợp sức mạnh, góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật. Nhiều điểm nóng về môi trường đã được giải quyết.

Nguồn lực tài nguyên đã được phát huy cho phát triển KT-XH, trong đó riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách Nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa; thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng.

Hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực quản lý, qua đó huy động được kinh nghiệm, nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Nền hành chính đang từng bước được hiện đại hóa và nâng cao năng lực quản lý.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH

Theo Bộ trưởng, năm 2017, Bộ TN&MT tiếp tục rà soát,đánh giá tình hình thực thi chính sách pháp luật, xác định những quy định không còn phù hợp, xung đột, mâu thuẫn đang là rào cản, điểm nghẽn để sửa đổi tạo điều kiện thuộc lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận về nguồn lực TN&MT; đổi mới công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật tập trung vào những vấn đề bức xúc như bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực đất đai; các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; việc chấp hành pháp luật trong quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản trong hoạt động xả thải vào nguồn nước và quy trình vận hành liên hồ chứa; tăng cường sự phối hợp giữa T.Ư với địa phương để tạo dự chuyển biến trong kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; tập trung cải cách hành chính gắn cải cách tục hành chính với quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật lấy doanh nghiệp, người dân làm đối tượng phục vụ.

Đánh giá tình hình thực tiễn để hoàn thiện thể chế tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy tích tụ tập trung ruộng đất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đất, kế hoạch sử dụng kỳ cuối các cấp; hoàn thành chính sách, pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước; xây dựng các quy định, hướng dẫn xác định và công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu hồ chứa; rà soát điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa….

Tăng cường công tác điều tra cơ bản nắm chắc tiềm năng, trữ lượng một số loại tài nguyên có giá trị lập bản đồ địa chất khu vực, địa chất tai biến, địa chất môi trường; tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhất là khai thác cát sỏi lòng sông. Tổ chức đánh giá, lập danh sách các lĩnh vực, các dự án có tính chất, tiềm năng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đề xuất các biện pháp giám sát, kiểm soát và trách nhiệm các cơ quan đơn vị liên quan cũng như chủ đầu tư để đảm bảo phòng ngừa các sự cố; kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; tăng cường thanh, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở, các khu vực có nguy cơ gây sự cố môi trường…

Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, nhất là dự báo xa; dự báo cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, vận hành an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ đập, đê điều; huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội để triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; khẩn trương triển khai các kế hoạch, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc vùng ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tăng cường các mối quan hệ hợp tác đa phương và song phương về quản lý tổng hợp TN&MT biển và hải đảo…

TH