Những ngày qua, các bệnh viện tại Hà Nội ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viện chữa bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một trong số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Hà Nội đang nằm trong vùng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn liên tiếp nhận 80-90 ca khám mỗi ngày, đa số liên quan các bệnh về đường hô hấp của trẻ nhỏ. Số bệnh nhi nhập viện hằng ngày cũng lên đến 30 trẻ, nhiều hơn những ngày trước đó.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), riêng trong tháng 11/2019, Trung tâm có khoảng gần 500 bệnh nhân cúm nhập viện nội trú. Trong hơn một tuần vừa qua, số bệnh nhi nhập viện gia tăng 10-20% so với trước.

Chị Nguyễn Thanh Mai (35 tuổi, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ba hôm nay phải xin nghỉ làm để vào viện trông con. “Con gái tôi năm nay mới 4 tuổi. Hôm kia cháu bị tắc mũi rồi khó thở, buổi đêm bị sốt. Gia đình tôi đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám thì bác sĩ kết luận bị viêm hô hấp cấp. Thời tiết thay đổi, không khí ô nhiễm thế này đến người lớn còn bị bệnh nữa là trẻ con. Bác sĩ dặn khi nào ra viện phải cho con ở nhà khoảng một tuần vì ra ngoài sợ không khí ô nhiễm”, chị Mai nói.

Theo chị Thanh Mai, ở Khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có rất nhiều bệnh nhi vào khám cùng triệu chứng như con gái chị. Hầu hết các bé đều khó thở và sốt nhẹ.

Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Ước (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải nhờ ông bà nội từ Nam Định lên trông con cậu con trai chưa đầy 3 tuổi. Chị Ước lo lắng: “Ở lớp con tôi học mấy ngày nay các phụ huynh đều cho con nghỉ học vì sợ đi ra ngoài ô nhiễm. Cuối năm hai vợ chồng tôi công việc nhiều, phải nhờ ông bà nội lên chăm. Khi nào không khí Hà Nội ổn định, bớt ô nhiễm tôi mới cho con ra đường”.

Chị Thúy, một phụ huynh có con học cấp 2 cũng lo lắng: "Đang kỳ thi học kỳ I mà con tôi phải xin nghỉ vì sốt. Lớp cháu có 1/3 bạn cùng tình trạng".

Xung quanh vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông già ôzôn) cho biết, việc các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM ô nhiễm đến mức này đã được cảnh báo từ lâu. Đây là hậu quả của nhiều yếu tố tác động chứ không đơn giản là do bụi.

Tiến sĩ Khải cho rằng, việc các phụ huynh cho con ở nhà, đi ra đường dùng khẩu trang nhiều lớp chỉ là biện pháp tình thế, giải quyết đằng ngọn. Còn vấn đề cốt lõi chưa thấy các cơ quan chức năng rốt ráo xử lý.

“Chúng ta phải phát động toàn dân thực hiện chống ô nhiễm không khí. Đơn cử, người dân hạn chế sử dụng bếp than, các công trường che chắn, tưới nước khi thi công, các nhà máy phải tuân thủ các quy định của pháp luật về việc xả khí thải… Đó mới là biện pháp căn cơ”.

Theo ông Khải, việc không khí ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe mà còn làm suy giảm phát triển kinh tế.

Ông Khải nói rằng, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ em, các bậc phụ huynh khi ra ngoài đường phải che chắn kín cho con trẻ. Khẩu trang dùng loại nhiều lớp, trước khi dùng nên ngâm trong nước rồi vắt khô. Việc làm này cũng giảm thiểu được một phần nào đó bụi nhưng không triệt để.

Ngoài ra, phụ huynh nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường cho con. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

“Bên cạnh đó, các cơ quan nghiên cứu, phụ trách về môi trường cần thường xuyên công bố kết quả quan trắc. Khi nào không khí đang ở mức báo động, người dân nên tránh đi ra đường và tiến hành đóng kín cửa sổ” - ông Khải nói.

Thanh Thanh