Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp 3 giấy phép khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Bản Ná, Khắc Kiệm, Nam thung lũng Khắc Kiệm, xã Thần Sa theo quy định Luật Khoáng sản năm 1996, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005. Tại thời điểm cấp phép (2008), khu vực điểm mỏ này thuộc vùng sâu, vùng xa chưa có đường vào, chưa có điện lưới, chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng và cũng chưa có doanh nghiệp nào xin cấp phép khai thác ngoài Công ty Thăng Long. Thậm chí, nơi đây từng diễn ra nạn khai thác vàng thổ phỉ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Sau 10 năm hoạt động, ngoài việc ổn định an ninh trật tự, ngân sách Nhà nước được nâng lên gần 100 tỷ đồng, các công trình giao thông, điện lưới... đã được cải tạo, nâng cấp, thuận tiện cho sinh hoạt của nhân dân.
 
Đối với khu vực mỏ Bản Ná, ngày 5/12/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND cho phép Công ty Thăng Long được khai thác trên diện tích 37,25ha, với thời gian 7 năm. Do chưa có tài liệu địa chất đủ tin cậy về trữ lượng, điều kiện địa chất, địa hình, địa mạo khu vực mỏ phức tạp, việc khai thác tại mỏ gặp nhiều rủi ro (trước khi được cấp phép, khu vực mỏ vàng sa khoáng Bản Ná đã bị khai thác trái phép nhiều năm, nhiều lần), do đó sản lượng khai thác không đạt công suất thiết kế. Nhằm xác định đúng trữ lượng, Công ty Thăng Long đã lập đề án thăm dò, nâng cấp trữ lượng khoáng sản quặng vàng sa khoáng tại mỏ trong phạm vi diện tích, độ sâu được phép. 

Theo ý kiến thẩm định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, công tác thăm dò đã triển khai phương pháp, khối lượng, mạng lưới thăm dò phù hợp với quy định, đáp ứng yêu cầu đánh giá trữ lượng, chất lượng quặng vàng ở cấp 122 trên diện tích mỏ đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác. Kết quả tính trữ lượng, tài nguyên còn lại của mỏ là có cơ sở, đảm bảo tin cậy. 

Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1289/QĐ-UBND (29/5/2015) điều chỉnh một số nội dung của Giấy phép khai thác khoáng sản số 3068/GP-UBND cho Công ty Thăng Long với trữ lượng khai thác: 170.254m3 cát quặng; Công suất khai thác: 25.000m3 cát quặng/năm; thời gian khai thác đến ngày 6/12/2021.

Đối với mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm, UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND ngày 20/4/2009 cho phép Công ty Thăng Long được khai thác với diện tích 34,09ha, thời gian 6,5 năm. Cũng như khu vực mỏ Bản Ná, trước đây mỏ chưa được thăm dò nên điều kiện địa chất, địa hình, địa mạo khu vực mỏ phức tạp, việc khai thác tại mỏ gặp nhiều rủi ro, do đó sản lượng khai thác không đạt công suất thiết kế. 

Sau khi tiến hành thăm dò theo quy định, có ý kiến thẩm định của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2646/QĐ-UBND (2/10/2015) điều chỉnh một số nội dung của Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND, cụ thể: Trữ lượng khai thác: 241.502m3 cát quặng; Công suất khai thác: 17.000m3 cát quặng/năm; thời gian khai thác đến năm 2032.

Vì vậy, việc điều chỉnh Giấy phép khai thác tại mỏ vàng Bản Ná và mỏ vàng Khắc Kiệm là đúng quy định của pháp luật về khoáng sản, Quyết định 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ là không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng.

Ngày 31/1/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 492/BTNMT-TTr về việc góp ý kiến Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, đã khẳng định việc điều chỉnh giấy phép tại khu vực Bản Ná và khu vực Khắc Kiệm là phù hợp với các quy định của pháp luật tại thời điểm cấp phép.
 
Ngoài những thông tin trái chiều gây hiểu nhầm cho dư luận, còn có thông tin liên quan đến việc chuyển mục đích đất lúa sang mục đích khai thác khoáng sản tại xã Thần Sa. Theo như thông tin đã nêu ở trên, ngày 20/4/2009, UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 799/GP-UBND cho phép Công ty Thăng Long khai thác mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm trên diện tích khu vực khai thác 34,09ha. Sau khi được cấp phép, công ty đã phối hợp với UBND huyện Võ Nhai, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Võ Nhai, UBND xã Thần Sa tiến hành đo đạc kiểm đếm đến từng chủ đất và tiến hành thi công đường giao thông, lắp đặt trạm điện, đường điện đến khu vực mỏ. Do đặc thù của người dân tộc, vùng sâu, vùng xa khi đền bù cần phải có khu tái định cư, có đất để canh tác nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ngày 23/12/2014, UBND tỉnh có Văn bản số 3523/UBND-NC đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày 4/6/2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 791/TTg-KTN đồng ý cho UBND tỉnh Thái Nguyên chuyển mục đích sử dụng 592,01ha đất trồng lúa để thực hiện 20 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (trong đó có dự án khai thác mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và công trình phụ trợ là 54,14ha).

Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10/5/2018 của Chính phủ (về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dựng đất kỳ cuối 2016-2020); thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1057/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2018. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất hàng năm, UBND tỉnh có Quyết định 2419/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 và Quyết định 2792/QĐ-UBND ngày 26/9/2018 cho Công ty Thăng Long thuê đất để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phụ trợ tại mỏ Nam thung lũng Khắc Kiệm và mỏ Khắc Kiệm, xã Thần Sa. Sau khi được thuê đất, Công ty Thăng Long đã đưa mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm và Nam thung lũng Khắc Kiệm vào khai thác theo quy định. Vì vậy, việc chuyển mục đích đất trồng lúa để thực hiện dự án khai thác vàng sa khoáng Khắc Kiệm là đúng quy định của pháp luật.

Những thông tin trái chiều, không đúng bản chất sự thật đã ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của Thái Nguyên. Vì sao lại như vậy, Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin, làm rõ.

Hạ Hòa