Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối ngày 2/10,  báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Trả lời, ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường cho hay, 2 TP lớn đã có kế hoạch lắp đặt thêm các trạm đo quan trắc không khí để cảnh báo kịp thời hơn cho người dân.

Về dài hạn, kế hoạch hành động quốc gia về cải thiện chất lượng không khí đang được triển khai một cách toàn diện, từ hoàn thiện thể chế cho tới các biện pháp cụ thể giảm nguồn phát thải bụi mịn vào không khí. 

"Bộ Tài nguyên Môi trường và các địa phương sẽ triển khai mạnh mẽ hơn kế hoạch này, để dần từng bước cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh”, ông Thành nhấn mạnh. 

Đề cập tới các ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí, ông Thành cho rằng, một số trang mạng nước ngoài ví dụ ứng dụng Airvisual, thu thập thông tin từ nhiều trạm quan trắc khác nhau. 

Theo ông, trước đây đo nồng độ bụi mịn PM2.5 là việc khó khăn, nhưng hiện đã có nhiều công nghệ để quan trắc. Tuy nhiên, về độ chính xác thì các thiết bị đã được chuẩn hoá đáng tin cậy hơn. 

Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh, chỉ số trên các trang mạng về ô nhiễm không khí chỉ mang tính chất tham khảo, người dân nên tìm thông tin chính thức trên website của TP Hà Nội (moitruongthudo.vn) hoặc của Tổng cục Môi trường (enviinfo.cem.gov.vn).

"Chất lượng không khí sụt giảm tuỳ thuộc vào thời gian và địa điểm. Nếu nơi lắp thiết bị đo gần nguồn rác thải, bụi mịn thì nồng độ đo cao, nhưng không phải là đại diện chung cho toàn thành phố", ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin thêm, nhiều năm nay, trong giai đoạn chuyển mùa thì Hà Nội có hiện tượng ô nhiễm không khí. 

"Chính quyền TP xác định việc quan trắc chất lượng không khí là thường xuyên, hàng ngày”, ông Hùng nói và cho biết, các trạm quan trắc của TP cứ 5 phút chuyển số liệu về trung tâm một lần và được công bố đầy đủ.

Để cải thiện chất lượng không khí, theo ông Hùng, TP sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như xử lý nguồn xả thải để không ảnh hưởng không khí như xây dựng nhà máy xử lý nước thải; yêu cầu các công trình xây dựng phải che chắn khi thi công; kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân; thực hiện cánh đồng không đốt rơm rạ...

Cũng tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến vấn đề môi trường ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khiến người dân kêu ca. 

Ông đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cùng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng. 

“Không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Như Báo Thanh tra đã đưa tin, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường, từ ngày 12/9 đến 29/9 cho thấy, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục có những ngày nồng độ bụi PM2.5 (loại bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể người) vượt ngưỡng cho phép.

Đặc biệt, liên tiếp các sáng ngày 25-30/9, một số trạm ghi nhận AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. 

Tuy nhiên, AQI giờ ở mức xấu chỉ có tại một số vị trí và có tính thời điểm. Đó là trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ, 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung giờ 0h-6h. 

Tổng cục Môi trường nhận định, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt vào buổi đêm và sáng sớm.

“Người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt”, Tổng cục Môi trường khuyến cáo.

Hương Giang