Người dân xóm mới Phượng Cách, xã Phượng Cách cho biết, trên địa bàn xóm hiện có một số cơ sở may mặc quần áo, tái chế rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng nhiều năm nay.

“Chúng tôi đã nhiều lần có đơn thư kiến nghị gửi các cơ quan chức năng từ xã đến huyện, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà vẫn không xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường này, dẫn đến gây bức xúc dư luận” - ông Nguyễn Văn Minh cho biết.

 Rác thải nhựa được tập kết bất cứ nơi đâu có thể. Ảnh: TQ

Mục sở thị chúng tôi thấy, trên trục đường vào xóm mới Phượng Cách, đặc biệt là đoạn cuối xóm có rất nhiều loại rác thải nhựa được tập kết hai bên đường, gây cản trở giao thông. Việc tự tiện tập kết rác thải nhựa của một số cơ sở sản xuất đã làm ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng.

“Đáng chú ý, là thời điểm các cơ sở sản xuất, tái chế rác thải nhựa đi vào hoạt động thì môi trường cả khu vực rộng đều chìm trong… khói, bụi” - một người dân cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đắc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Phượng Cách (trước đây là Chủ tịch UBND xã Phượng Cách) cho biết, hiện trên địa bàn xóm mới Phượng Cách một số hộ xây dựng cơ sở tái chế các loại nhựa phế thải và xưởng gia công may mặc không phép. Các cơ sở này đã hoạt động khoảng 10 năm nay, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có nhiều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

 Rác thải nhựa được tập kết ven đường giao thông. Ảnh: TQ

“Chúng tôi đã thành lập tổ kiểm tra nhiều lần, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, đã ra nhiều thông báo đình chỉ hoạt động, thế nhưng chủ các cơ sở này không thực hiện và vẫn tiếp tục hoạt động” - ông Hải nói.

Gần đây nhất là ngày 23/7/2019, UBND xã Phượng Cách đã ban hành một loạt thông báo, yêu cầu đình chỉ việc gia công may mặc đối với ông Nguyễn Danh Tôn, ông Đào Văn Hạo; đình chỉ việc xay xát tái chế phế liệu đối với bà Phạm Thị Hoa với lý do gây ô nhiễm môi trường và nhiều nguy cơ gây cháy nổ.

Theo đó, UBND xã Phượng Cách yêu cầu ông Nguyễn Danh Tôn và ông Đào Văn Học đình chỉ tất cả các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, khôi phục đưa đất vào sản xuất nông nghiệp.

Yêu cầu bà Phạm Thị Hoa đình chỉ tất cả các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, đến khi lắp đặt đầy đủ hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

Trước đó, ngày 18/12/2018, UBND xã Phượng Cách đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với bà Phạm Thị Hoa với số tiền 1.250 nghìn đồng.

 Xóm mới Phượng Cách, xã Phượng Cách cũng đang bị rác thải sinh hoạt bao vây. Ảnh: TQ

“Sau ngày 23/7/2019, nếu các hộ không chấp hành UBND xã Phượng Cách sẽ xử lý theo quy định của pháp luật” - thông báo nêu.

Thông báo của UBND xã Phượng Cách nêu rõ ràng là thế, trong khi các hộ vẫn không chấp hành thì UBND xã cũng không có “động tĩnh” gì?

Đến bao giờ các cơ sở gia công may mặc, tái chế phế liệu gây ô nhiễm mới được xử lý, để trả lại môi trường sống cho người dân nơi đây? Câu hỏi này xin được chuyển đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.

TQ