Kịp thời phản ánh tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển. Trước thực trạng này, Chính phủ từ lâu đã có những quan tâm và chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa.

Còn PGS. TS Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, thực trạng biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương.

Vì thế, để giảm ngăn chặn, tiến tới không còn rác thải nhựa rất cần sự vào cuộc chung tay của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội và của từng gia đình.

Trong đó, các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, đề cao trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia các hành động như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đồng hành thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Kênh quan trọng để nâng cao nhận thức chống rác thải nhựa

Cũng tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, vai trò rất quan trọng của truyền thông trong việc chống rác thải nhựa.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, để cuộc vận động chống rác thải nhựa đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, chú trọng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chống chất thải nhựa, bảo vệ môi trường sống không chỉ trong hiện tại mà còn về lâu dài...

Đồng thời, cần tuyên truyền những chính sách của cả Trung ương và địa phương đối với việc bảo vệ môi trường; trong đó có chống rác thải nhựa. Phản ánh sâu rộng sáng kiến của các địa phương trong phong trào chống rác thải nhựa. Nếu chúng ta vừa phản ánh để động viên, khích lệ đồng thời để các địa phương biết, học hỏi lẫn nhau.

Bà Hoài cho rằng, đối tượng tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa là toàn xã hội, nhưng cần tập trung vào doanh nghiệp và hộ gia đình để họ chủ động giảm rác thải nhựa trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Càng lan tỏa bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng cần tập trung những đối tượng để tác động mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi mong rằng các cơ quan báo chí nhận thức được tính cấp bách của việc bảo vệ môi trường nói chung, chống rác thải nhựa nói riêng để đưa ra kế hoạch tuyên truyền mang tính đậm nét, thường xuyên. Cùng với đó, tăng những tin bài mang tính thực tiễn, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm trong chống rác thải nhựa”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài nói.

Còn Nhà báo Hà Hồng, Trưởng ban Bạn đọc, Báo Nhân Dân nhấn mạnh: Vấn đề rác thải nhựa hiện nay rất nóng nên Bộ TN&MT sớm phát động một cuộc thi về chủ đề chống rác thải nhựa. Cuộc thi đó gần như có đích đến để anh em phóng viên hướng về và sẽ đạt được những hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Hơn nữa, nếu có một cuộc thi cụ thể, anh em phóng viên sẽ rất hồ hởi, phấn khởi tham gia.

Đồng thời đặt vấn đề, mong muốn Bộ TN&MT có một đầu mối, tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin khi báo chí có vấn đề muốn tiếp cận về vấn đề chống rác thải nhựa. Bởi lẽ vấn đề chống rác thải nhựa không chỉ là nhiệm vụ của Bộ TN& MT mà còn là nhiệm vụ của báo chí, truyền thông và toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyền truyền sâu rộng tới quần chúng nhân dân tham gia vào chống rác thải nhựa trong tình hình hiện nay.

Báo chí giúp người dân nói không với thói quen sử dụng đồ nhựa

Đại diện Tạp chí Cộng sản cho rằng, trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, báo chí, truyền thông có vai trò, trách nhiệm hết sức to lớn, quan trọng. Vì thế, báo chí - truyền thông cần phát huy vai trò nòng cốt, chủ động trong việc tuyên truyền kịp thời, sáng tạo, rộng rãi các chủ trương, chính sách, giải pháp của đất nước, địa phương, đơn vị… có liên quan đến việc hạn chế, phòng, chống rác thải nhựa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội, giúp đông đảo người dân nhận thức rõ sự nguy hiểm, tác hại của việc sử dụng rác thải nhựa.

Mặt khác chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến tại địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực trong việc giải quyết rác thải nhựa. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn, mạnh mẽ phê phán những bất cập, hạn chế trong việc sử dụng, quản lý chất thải nhựa để có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời… Qua đó góp phần tích cực giúp người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói không với thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ngoài ra, báo chí nêu cao trách nhiệm xã hội trong việc tuyên truyền một cách trung thực, khách quan, công bằng về việc chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc bằng nhiều hình thức khác nhau, trên các loại hình báo chí, báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình…

Thái Hải