Từ năm 2007 đến nay, sau 2 lần Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đã giúp UBND tỉnh Kiên Giang, cùng các sở, ngành, UBND huyện Phú Quốc, mà cụ thể là Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc “sàng lọc” lại các dự án đã tồn tại trên giấy do hoàn cảnh lịch sử của quá trình điều chỉnh quy hoạch phát triển khu kinh tế hành chính đặc biệt theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, một giải pháp mạnh tay cũng được các cơ quan chức năng thực hiện một cách quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng xí phần dự án. Thực tế ghi nhận, UBND huyện Phú Quốc đã cùng Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang ban hành hàng loạt thông báo chấm dứt chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án không đủ năng lực đầu tư, không bảo đảm tiến độ bồi thường, giải tỏa, hỗ trợ cho nhân dân.

Giải pháp chủ động này đã từng bước tạo được chuyển động mới trong từ năm 2015 đến nay, và bức tranh vân cẩu của hiện tượng ngập ngụa dự án phân lô bờ biển tại 20 khu vực trên đảo Phú Quốc đã phai dần những mảng màu loang lổ. Nhiều khu đất vàng, khu đất có giá trị cao về du lịch sinh thái kết hợp tâm linh cho hòn đảo lớn nhất nước này đã từng bước được các nhà đầu tư có năng lực tiếp cận, để chủ động xây dựng các dự án có tính khả thi cao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý Nhà nước, gắn với bảo vệ tốt rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cũng như môi trường biển.

Với quyết tâm đầu tư tại Phú Quốc nên đã có thêm những nhà đầu tư không làm dự án theo kiểu cũ là chờ đợi cơ quan chức năng giao đất để làm dự án mà đích thân Ban Giám đốc doanh nghiệp đã trực tiếp xuống gặp gỡ người dân có nhà đất để thống nhất phương án cho người dân góp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà để cùng thực hiện dự án. Điển hình là trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Triệu Hồ đang tiến hành thủ tục để cùng hợp tác với gia đình ông Võ Hoàng Sơn, là hộ đang nhận khoán 80ha đất rừng phòng hộ tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, để hoàn chỉnh hồ sơ dự án du lịch sinh thái kết hợp tâm linh tại khu vực lâm viên núi Chùa.

Đây là phương án mới sẽ giúp giải quyết hầu hết những mâu thuẫn về giá bồi thường nhà đất, hỗ trợ đất có nguồn gốc khai hoang tại địa phương sau nhiều lần sốt đất, phù hợp với quy định Luật Đất đai 2013. Do đó, những ngày này, các thành viên gia đình ông Võ Hoàng Sơn đang họp bàn để thống nhất việc góp tư cách nhận khoán rừng theo 02 hợp đồng nhận khoán rừng tại khu vực lâm viên núi Chùa để cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Triệu Hồ tiến hành thủ tục đầu tư dự án theo quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về sự kiện mới này, ông Sơn nhớ lại quá trình khai hoang đất, giao đất và khiếu nại giá bồi thường tại các dự án khu vực Nam Bãi Trường, cũng như hiện tượng phát triển quá nóng làm suy giảm môi trường. Vì vậy, cách thức cho người dân được góp quyền sử dụng đất cùng làm dự án sẽ là tín hiệu vui cho phát triển du lịch tại địa phương, khi đó khu vực ao sen hơn 20ha với hệ sinh thái ngập nước nối giữa lâm viên núi Vô Hương và vùng bờ biển bãi Trường sẽ vẫn là niềm tự hào về cảnh quan sen hồng giữa đảo ngọc. Lý do theo ông Sơn là được một số cơ quan chức năng thông báo tại lần tiếp xúc cử tri mới nhất là đang xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Housing Phú Quốc để điều chỉnh quy hoạch, hoặc chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự để bảo tồn khu vực ao sen, gắn với bảo vệ lâm viên núi Vô Hương có quy mô 261ha.

Niềm vui này cũng được gia đình chị Phạm Thị Tiến đón đợi với tâm thế mới khi công sức 25 năm khai hoang, giữ gìn ao sen sẽ được đền đáp khi sẽ có ít nhất 3 doanh nghiệp mới, cũng là những nhà đầu tư tử tế, là những cựu chiến binh quê Nam Bộ, có nhiều kinh nghiệm làm du lịch sinh thái sẽ chủ động triển khai cơ chế cùng các thành viên gia đình chị hợp tác để trồng sen, bảo vệ thủy sinh để xây dựng hệ sinh thái sen hồng giữa đảo ngọc.

Những ngày đầu tháng 10/2018, có mặt tại khu vực ao sen, chúng tôi cùng nhiều khách du lịch đã được anh Lại Đình Hùng, cựu chiến binh quê Hải Phòng, chia sẻ về màu sen đỏ do đặc thù khí hậu biển và địa chất đất chua phèn khu vực ấp Suối Lớn. Đó là trong kháng chống Mỹ, những người lính miền Bắc khi vào miền Nam chiến đấu đã yêu cái sắc đỏ của hoa sen nơi đây, với câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Hôm nay, tại đảo Phú Quốc, giữa trời biển thanh bình lại được nhìn màu sen đỏ dưới chân núi xanh biếc thì những cảm xúc ngày xưa lại tràn về. Khu vực ao sen là đặc thù sinh thái ngập nước, là vốn quý của đất trời dành cho Phú Quốc cần được giữ gìn, phát triển thành điểm đến nghỉ dưỡng sinh thái... để thiên nhiên tươi đẹp này mãi mãi là vốn quý của cộng đồng.

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, đã có sự mất cân đối giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển.

Ngọc Giang