Nội dung các Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất các địa phương có biển đều yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm phát triển bền vững trên cơ sở cân bằng sinh thái tự nhiên. Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương đã đề ra hàng loạt chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ và đảm bảo đa dạng sinh học tại vùng hải đảo.

Bài học phát triển bền vững đã được huyện Côn Đảo tuân thủ rất nghiêm túc khi hệ sinh thái rừng, vùng ngập nước, khu vực bảo tồn biển được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi giao cho các dự án. Ngoài ra, cử tri huyện đảo cũng đã thể hiện tốt vai trò giám sát liên quan đến lĩnh vực này, khi tất cả các kiến nghị đều được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời đầy đủ với tư cách là Đại biểu Quốc hội đơn vị huyện Côn Đảo.

Ngay chuyến đi mới đây đến với đất thiêng Côn Đảo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình cũng đã rất tâm đắc với các giải pháp cân bằng trong phát triển kinh tế biển tại huyện Côn Đảo và đã chia sẻ với lãnh đạo UBND địa phương là phải giữ được màu xanh của rừng, màu xanh của biển, màu hồng của hồ sen An Hải để cộng đồng có được một điểm đến đáng nhớ mỗi khi đặt chân đến mảnh đất anh hùng này. Đây là điều quan trọng vì bài học đắt giá đã có khi đảo Phú Quốc vì không có giải pháp cân bằng giữa phát triển và bảo tồn nên thiên nhiên đã bị xâm hại nghiêm trọng, khó có thể phục hồi để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Sự thật trong nhiều văn bản của UBND tỉnh Kiên Giang đều đã phân tích rõ về hiện trạng thiên nhiên của đảo Phú Quốc. Đó là do nằm độc lập với đất liền (không nhận nước từ thượng nguồn và các khu vực khác) nên mùa khô tại Phú Quốc tuy ngắn nhưng đã gây khô hạn và thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt ở một số khu vực. Mùa mưa kéo dài, lượng mưa lớn cùng với địa hình dốc thường gây ra lũ trong các tháng 8-9, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở và sạt lở đất. Vì vậy trong xây dựng các khu dân cư đô thị cần đặc biệt chú trọng đến việc duy trì và trồng mới các mảng xanh, làm vùng đệm cho thoát nước, hạn chế ngập lũ đô thị.

Ngay trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện Phú Quốc do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thực hiện cũng xác định là: Phú Quốc thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô, ngập lũ trong mùa mưa. Mặc dù có lượng mưa hàng năm khá lớn (2.900mm), tổng lượng mưa năm là 1,6 tỷ m3, nhưng mưa phân bố không đều các tháng trong năm, 89% lượng mưa tập trung vào mùa mưa, nên suốt mùa khô nước ngọt rất khan hiếm. Dân số tăng nhanh, gây áp lực rất lớn đến việc giải quyết nhà ở và xây dựng các công trình công cộng phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như: trường học, y tế, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường... Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên phức tạp, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cấp thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường... chưa bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế.

Từ thực tế này, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn kiên quyết giữ ổn định quy mô diện tích đất rừng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh phục hồi rừng bằng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và trồng mới, nhất là rừng ven biển, gắn với các chương trình nghiên cứu bảo tồn những loại động vật, thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu.

Thế nhưng, dựa vào cơ chế đặc thù, cũng như viện dẫn văn bản không còn phù hợp với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, đồng thời bỏ qua hầu hết các quy hoạch chung, lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc đã “tiếp tay” cho nhiều doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dự án nhà ở trên các diện tích đất rừng phòng hộ, đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù. Hậu quả là, dọc tuyến đường Dương Đông - An Thới, hàng loạt dự án nhà ở theo tiêu chí phân lô, bán nền biệt thự,… nằm ken dày che lấp gần hết bờ biển Nam Bãi Trường. Phía đối diện cũng có hàng loạt dự án cắm bảng để giành đất của rừng phòng hộ, giành đất khai hoang của người dân.

Ngọc Giang

Bài 2: Đánh đổi môi trường bằng mọi giá?