Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến tháng 7/2017, 64 nước đã cấm sử dụng amiăng, mới nhất là Ukraine và 71 nước cho phép sử dụng. 

Việt Nam là một trong bảy nước dùng nhiều nhất, ước tính 60-70.000 tấn mỗi năm.

Hiện, Việt Nam có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng amiăng trắng với công suất thiết kế hơn 100 triệu m2/năm. 

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa amiăng như vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, thảm. Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và thậm chí từ nước đã cấm sử dụng amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Ông Nguyễn Văn Sơn, Viện phó Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, nếu làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ amiăng trung bình ở mức 70.000 tấn/năm, từ năm 1990 đến năm 2014, Việt Nam đã dùng 1.750.000 tấn khoáng chất độc hại này.

Ông Sơn nhấn mạnh, năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra lộ trình cấm sử dụng amiăng ở tất cả các dạng và hướng dẫn người dân chuyển sang sử dụng các sản phẩm không amiăng. Tuy nhiên, đến năm 2004 (thời hạn chốt cấm hoàn toàn việc sử dụng tất cả các loại amiăng), vì các lý do khác nhau, Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian sử dụng amiăng trắng.

Theo ước tính của WHO, năm 2004, gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiăng ước tính lên tới 107.000 trường hợp tử vong và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật. Tỷ lệ mắc ung thư trung biểu mô, loại ung thư amiăng trắng gây ra, hiện tại là 14-35 trường hợp trên triệu dân mỗi năm tại 11 quốc gia công nghiệp phát triển đã sử dụng amiăng.

Ngoài tác động đến sức khỏe, amiăng cũng đưa đến những gánh nặng tài chính. Chi phí dành cho bệnh ung thư liên quan đến amiăng vượt quá giá trị kinh tế của nó. Năm 2008, chi phí kinh tế trực tiếp dành cho bệnh ung thư liên quan đến amiăng là 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị kinh tế của thương mại amiăng quốc tế chỉ đạt 802 triệu USD.

Còn theo ông Trần Tuấn, chuyên gia dịch tễ học và sức khỏe dân số, cho biết, thế giới đã đi từ phát hiện ra amiăng là một vật liệu cách nhiệt, cách điện, ít phản ứng với các hóa chất, đến sử dụng rộng rãi amiăng trong nhiều ngành công nghiệp, từ xây dựng, bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy, giao thông đến quân sự, vũ trụ. Nhưng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và y học, đặc biệt y tế cộng đồng và y học dự phòng, thế giới đã chỉ ra vai trò gây bệnh của amiăng, khi vào cơ thể lắng đọng trong các nhu mô và kích thích tiến trình phát triển ung thư, đặc biệt, loại ung thư phổi trung biểu mô được xem như là bằng chứng đặc hiệu của việc tiếp xúc với amiăng trong quá khứ.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, việc amiăng trắng là nguyên nhân gây ung thư trung biểu mô, ung thư buồng trứng, ung thư phổi đã được WHO, các nước phát triển và nhiều tổ chức, cơ quan nghiên cứu và khẳng định tác hại của amiăng trắng. 

Tại Việt Nam, vì nhiều lý do nên các nghiên cứu về các bệnh có liên quan đến amiăng trắng chưa được tổ chức có hệ thống và theo dõi liên tục nên các kết quả chưa nói lên được nhiều như các nước trên thế giới. 

Theo bà An, do những lý do khác nhau, cộng thêm những khó khăn trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực cần các thiết bị chính xác và siêu chính xác nên chưa có điều kiện nghiên cứu sâu, tiến hành hàng chục năm một cách có hệ thống thì tại sao ta lại không tận dụng những kết quả nghiên cứu của các nước có trình độ khoa học tiên tiến.

 

Phương Anh