Hội thảo và trưng bày sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; so sánh và đánh giá cụ thể sự khác biệt giữa việc biên soạn, thẩm định, xuất bản và phát hành sách giáo khoa trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu của các cuộc cải cách và đổi mới giáo dục; tổ chức biên soạn sách giáo khoa và giá sách giáo khoa theo chủ trương xã hội hóa; việc tổ chức lựa chọn, cung ứng và tập huấn sử dụng sách giáo khoa giáo dục phổ thông; yêu cầu đối với nhà xuất bản trong công tác xuất bản sách giáo khoa; thực tế sử dụng giáo dục phổ thông ở các địa phương…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LP

Phó Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GDĐT Phạm Văn Sinh cho biết, lần trưng bày này kể cả sách Việt Nam qua các thời kỳ; sách giáo khoa hiện tại và sách nước ngoài, có hơn 700 bản sách, được phân rõ từng khu vực trưng bày.

Theo ông Sinh, qua lần trưng bày này giúp đại biểu dự hội thảo, người dân, học sinh biết được quá trình cải cách giáo dục gắn với những loại sách giáo khoa. Qua mỗi thời kỳ, chất lượng sách giáo khoa ngày càng tốt, đẹp lên.

Đơn cử, sách giáo khoa thời kỳ đầu tiên thì chất lượng giấy, chữ, hình ảnh thiết kế bị hạn chế. Tuy nhiên hiện nay sách giáo khoa đã được cải tiến rất nhiều, trình bày đẹp hơn.

Cũng theo ông Sinh, cuối những năm 80 đầu những năm 90, gia đình có một chiếc tivi 14inch xem là tốt lắm rồi. Nhưng bây giờ, nhiều gia đình đã xem tivi lên đến 65-75inch.

“Tôi nghĩ học sinh được học những cuốn sách giáo khoa tốt, trình bày hình thức đẹp, nội dung đẹp thì tâm hồn của các em cũng đẹp như cuốn sách giáo khoa đó”, ông Sinh nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Đến với triển lãm sách, các em học sinh được thả sức tham khảo các loại sách. Ảnh: LP

Bên cạnh hội thảo, diễn ra hoạt động trưng bày sách giáo khoa bao gồm: Trưng bày, giới thiệu lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1957, 1981, 2002, 2020; trưng bày và giới thiệu sách giáo khoa của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh...

Ngoài ra, một số sách được giải thưởng quốc gia và sách giáo khoa điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng sẽ được trưng bày, giới thiệu.

leftcenterrightdel
Không chỉ được xem sách giáo khoa Việt Nam, đến với triển lãm sách, các em học sinh còn được xem những bộ sách giáo khoa của một số nước trên thế giới như: Nhật, Hàn... Ảnh: LP

Ngoài việc giới thiệu cho người xem những bộ sách giáo khoa của Việt Nam và thế giới, hoạt động trưng bày còn cung cấp các thông tin so sánh về quy cách của sách giáo khoa Việt Nam và sách giáo khoa của các nước theo một số tiêu chí cụ thể; cùng với đó là giới thiệu các hoạt động thực hành với sách giáo khoa được một số nước trên thế giới thực hiện.

Em Nguyễn Minh Tuấn, học sinh lớp 10 Trường THPT Hoài Đức, Hà Nội cho biết, sau khi thăm quan triển lãm và xem các loại sách giáo khoa cũ qua các thời kỳ, em thấy sách giáo khoa mới có nhiều nội dung hơn, các bài học tạo ra hứng thú hơn cho học sinh. Về hình ảnh, sách giáo khoa mới đẹp và bắt mắt hơn nhiều. Em rất thích sách giáo khoa mới của chúng em hiện nay...

Sự kiện trưng bày diễn ra trong 2 ngày 28-29/9.

Phương Hiếu