Công tác thanh tra, kiểm tra giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng quy chế thi, các văn bản liên quan đến kỳ thi và ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định; kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có). Từ đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến kỳ thi.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cần phân định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, phương pháp của Bộ GD&ĐT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở GD&ĐT ở tất cả các khâu tổ chức kỳ thi. Các cấp thanh tra tuân theo quy định của pháp luật; không làm thay nhiệm vụ của hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi.

Người tham gia thanh tra, kiểm tra thi phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn như: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; Là công chức thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục hoặc người làm công tác thanh tra nội bộ, cán bộ, giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học đối với đoàn thanh tra của bộ; là cán bộ của Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) đối với đoàn kiểm tra của Cục Nhà trường; đã tham dự tập huấn và nắm vững quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi;

Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ) tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.

Thanh tra bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ và cơ sở giáo dục đại học, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các ban chỉ đạo cấp tỉnh, các Sở GD&ĐT, hội đồng thi; chỉ đạo hoạt động các đoàn thanh tra, kiểm tra thi theo quy chế thi và các quy định của pháp luật về thanh tra. Việc thành lập các đoàn thanh tra đảm bảo nguyên tắc: không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; chỉ quyết định thanh tra viên mới được tiến hành thanh tra độc lập.

Thanh tra Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc sở tổ chức thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra thi. Trong đó, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi đối với các đơn vị có thí sinh đăng ký dự thi, tất cả các đơn vị dự kiến đặt điểm thi; cử 1 người thanh tra độc lập tại vòng 2, khu vực in sao đề thi từ ngày ban in sao đề thi làm việc đến khi kết thúc nhiệm vụ. Đồng thời, thành lập một hoặc một số đoàn thanh tra công tác coi thi.

Về công tác chấm thi, sở thành lập 1 đoàn thanh tra công tác chấm thi; đảm bảo có đủ số thành viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại các khu vực: Làm phách (1 thành viên thanh tra ban làm phách bài thi tự luận nếu đánh phách 1 vòng hoặc 2 thành viên thanh tra ban làm phách, mỗi vòng 1 người nếu đánh phách 2 vòng); tại ban chấm thi tự luận đảm bảo mỗi thành viên thanh tra từ 2 đến 3 phòng chấm thi tùy theo phương án bố trí các phòng chấm thi; tại ban chấm thi trắc nghiệm đảm bảo có ít nhất 1 thành viên trong một phòng xử lý bài thi trắc nghiệm;

Về công tác phúc khảo, sở thành lập 1 đoàn thanh tra công tác phúc khảo bài thi, có ít nhất là 3 người. Những người đã tham gia đoàn thanh tra chấm thi thì không được tham gia đoàn thanh tra phúc khảo bài thi. Về công tác xét công nhận tốt nghiệp, sở thành lập 1 đoàn thanh tra công tác xét công nhận tốt nghiệp, có ít nhất là 2 người.

Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường thành lập và công khai đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi từ ngày 15/7/2020 đến khi kết thúc việc xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việt Hà