Trong thời điểm “đứng yên là yêu nước” như hiện nay, đào tạo từ xa thông qua các hình thức dạy học khác nhau đã trở thành sự lựa chọn tối ưu cho mọi ngành học, cấp học. Ngày 23/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 988/BGDĐT-GDĐH về việc đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, chính thức “bật đèn xanh” cho các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, khiến cho phong trào dạy online, học online trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

Hoà vào phong trào này, đáp ứng yêu cầu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thầy và trò Khoa Xuất bản đã có những nỗ lực vượt bậc để tạo nên chất lượng tốt nhất cho bục giảng online thời kỳ chống dịch.

Một số hình thức đào tạo từ xa

Hình thức đầu tiên của đào tạo từ xa có thể kể đến là dạy học trên truyền hình. Hình thức dạy học trên truyền hình có ưu điểm là có thể phổ cập rộng rãi ở các vùng miền không có internet, dễ dàng tiếp cận mọi đối tượng học sinh, nội dung bài giảng được kiểm duyệt chặt chẽ, có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ nên âm thanh và hình ảnh chỉn chu, sắc nét. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của cách dạy này là truyền thụ một chiều, không có tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học nên giáo viên được mời giảng có thể bị đóng khung vào lối dạy đều đều, ít cảm xúc.

Bên cạnh hình thức dạy học trên truyền hình, nhiều cơ sở đào tạo lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến trên nền tảng của các phần mềm giáo dục như: Zoom, Google Classroom, Moodle, Teams... hoặc với sự hỗ trợ của hệ thống mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Skype, Twitter. Trong số này, phần mềm Zoom, Google Classroom hoặc Microsoft Teams được coi là lựa chọn tối ưu cho các cấp học từ tiểu học đến đại học và sau đại học.

Với Zoom, các thầy cô có thể kích hoạt và tạo lớp học online dễ dàng, mời học sinh/sinh viên vào lớp học một cách nhanh chóng, có thể điểm danh trực tiếp qua camera và tên tài khoản người học, dễ dàng chia sẻ bài giảng, tương tác trực tiếp.

Với công cụ Goolge Classroom, tuy người dạy không tương tác được với người học qua camera nhưng có thể kết nối khá hiệu quả thông qua các chủ đề học tập, sử dụng các hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng.

Phần mềm Teams là một trong những phần mềm giáo dục đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đào tạo từ xa hiện nay: học trực tuyến, chia sẻ bài giảng, video clip, các nguồn học liệu trực tuyến, điểm danh đầu giờ, giao bài tập với các thang đánh giá cụ thể, thu thập thông tin phản hồi cuối mỗi giờ giảng... Lần lượt trải nghiệm các hình thức dạy học online khác nhau, các thầy cô khoa Xuất bản giờ đây đã yên tâm lựa chọn phần mềm Teams theo yêu cầu và triển khai trong toàn hệ thống Học viện, cố gắng tạo nên những bài học online đạt chất lượng tốt nhất có thể.

Thầy cô và những nỗ lực “vượt qua chính mình”

Việc vận dụng các hình thức dạy học khác nhau cho đào tạo từ xa để đạt hiệu quả cao vẫn là một thử thách không nhỏ với đa số giáo viên và các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Không phải cơ sở nào cũng có trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho dạy học trực tuyến. Hơn nữa, cần phải có thời gian để thầy cô chuẩn bị nguồn học liệu số hoá, phải tổ chức được các buổi tập huấn sử dụng phần mềm, sau đó là thực nghiệm và rút kinh nghiệm trước khi đưa vào triển khai...

Có thể nói, khi quyết định chuyển đổi cả một hệ thống từ đào tạo trực tiếp sang đào tạo từ xa, mỗi cơ sở đều vấp phải vô số khó khăn và rào cản mà trở ngại lớn nhất chính là nguồn nhân lực có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Những thách thức của dạy học online đến từ nhiều lý do như: khả năng sử dụng công nghệ của thầy cô còn hạn chế, đường truyền internet kém, thiết bị công nghệ lỗi thời làm cản trở sự học, quy định về bản quyền của các phần mềm dạy học làm giới hạn giờ học hay số người tham gia...

Hiểu được những trở ngại này, trước khi yêu cầu triển khai dạy học online đối với toàn hệ thống, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã liên tục tổ chức các buổi tập huấn liên quan đến dạy học trực tuyến, hướng dẫn các thầy cô trong Học viện các thao tác, kỹ thuật để tạo lớp học online và quản lý các hoạt động trên lớp một cách hiệu quả. Đặc biệt, sự hỗ trợ chuyên nghiệp và tận tâm từ các chuyên gia của tổ 3M đã khiến các giảng viên tháo gỡ được nhiều vướng mắc khi tổ chức dạy học trực tuyến.

Đối với các thầy cô giáo của Khoa Xuất bản, mỗi người đã thực sự trở thành người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, sẵn sàng dùng laptop thay thế phấn bảng, sẵn sàng học và trải nghiệm những kỹ năng mới để hoàn thiện chính mình, không ngừng tham gia các buổi tập huấn của trường và của khoa, luôn lắng nghe và tham khảo kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước để tạo nên chất lượng bài giảng tốt nhất.

Đa số thầy cô còn lạ lẫm với những thao tác trên lớp học online nhưng không ai đầu hàng hay bỏ cuộc vì đã xác định đây không chỉ là nhiệm vụ với Học viện, với sinh viên mà còn là nghĩa vụ với Tổ quốc, góp sức mình trong công cuộc đào tạo từ xa của toàn ngành giáo dục ở thời điểm đặc biệt này.

Không chỉ có các thầy cô trẻ thích ứng nhanh với hình thức dạy học online mà nhiều thầy cô lớn tuổi cũng sẵn sàng “vượt qua chính mình” để hoà vào xu thế chung của thời đại. Hình ảnh những thầy cô tóc bạc phơ ngồi trước máy tính, say sưa giảng giải cho học trò trong các lớp học online đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công cuộc đào tạo từ xa.

Như TS Vũ Mạnh Chu chia sẻ: “Công việc này thế giới đã thực hiện lâu nay, ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Chúng ta vẫn còn đang chậm chân. Việc làm hôm nay như là một hoạt động bị động, chống đỡ với con Covid 19. Hãy nhanh hơn trong việc tiếp cận công nghệ giáo dục mới, hiện đại”.

Rõ ràng, công nghệ không làm khó được các thầy cô, công nghệ không phân biệt tuổi tác, nếu có trách nhiệm, đam mê và quyết tâm để thay đổi thì bất cứ ai cũng có thể làm chủ được bục giảng online.

TS Vũ Mạnh Chu say sưa trong lớp học online với sinh viên Khoa Xuất bản

Nhìn bề ngoài, dạy học online là hình thức dạy học có vẻ đơn giản, chỉ cần ngồi một chỗ, bật các thiết bị và phần mềm kết nối, thầy cô “nhàn” hơn vì không phải đến trường, không phải di chuyển từ đầu phòng đến cuối phòng để bao quát lớp... Nhưng những ai đã trải qua mới thấm thía sự tình. Chưa kể đến công sức chuẩn bị cho các bài giảng online, việc quản lý và tổ chức các hoạt động cho người học trong các lớp học online thường gặp khó khăn hơn nhiều so với các lớp học offline.

Nếu người học có ý thức thì lớp học online sẽ được thành lập rất nhanh. Nhưng nếu người học thờ ơ, cố tình không đăng nhập đúng giờ quy định, người dạy sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức để chờ đợi cho đủ số người tham gia. Trước thực trạng này, một số thầy cô đã đưa ra những quy định cho lớp học online và có những “thủ thuật” để việc điểm danh đầu giờ trở nên hiệu quả và hấp dẫn hơn.

TS Vũ Thuỳ Dương chia sẻ về cách quản lý và điểm danh sinh viên: “Tôi luôn yêu cầu sinh viên phải ăn mặc lịch sự khi học online, không ngồi trên giường khi học, không làm việc riêng, luôn để chế độ camera để giảng viên quan sát từng em. Các buổi học online cũng có các hoạt động nhóm và trình bày sản phẩm hấp dẫn không kém học offline. Với những yêu cầu này, sinh viên của các lớp tôi dạy đã có những buổi học online rất nghiêm túc và chất lượng”.

Dạy học online thực sự là thử thách không nhỏ đối với cả thầy và trò. Để dạy học online hiệu quả, thầy phải làm chủ được công nghệ và bài giảng, phải sâu sát đến từng học sinh, phải luyện giọng sao cho vừa đủ nghe qua các tần sóng của thiết bị, phải lo cả phần hình ảnh sao cho chỉn chu và dễ nhìn...

Đối với trò, học online cũng đòi hỏi các em sự tập trung cao độ và ý thức hơn nhiều lần so với học thực tế vì chỉ cần xao nhãng, không nghiêm túc là buổi học online sẽ trở thành một kiểu đối phó của các em, không thể đạt hiệu quả cao. Có khi, trò lại trở thành người hướng dẫn cho thầy về các thao tác trên ứng dụng phần mềm, trò biến thành thầy... Sự hoán đổi thú vị này làm cho không khí của các buổi học online dường như dễ chịu hơn so với lớp học offline, thầy trò có sự tương tác và chia sẻ thoải mái hơn, không có khoảng cách.

Tại Khoa Xuất bản, bên cạnh những lớp học online bình thường còn có một lớp học online rất đặc biệt: lớp học Tiếng Việt “xuyên biên giới” dành cho các sinh viên Lào đang ở quê nhà.

TS Đặng Mỹ Hạnh không giấu nổi niềm vui và sự xúc động khi gặp được những sinh viên Lào của mình trên lớp học Teams. Kết thúc buổi học, các em nói tiếng Việt còn chưa sõi nhưng vẫn cảm ơn cô nhiệt tình, nêu nguyện vọng muốn được học tiếp, muốn nhanh được về Việt Nam để đến trường, đến lớp. Những lời động viên ấy là liều thuốc tinh thần quý giá để các thầy cô tiếp tục cống hiến và cố gắng nhiều hơn nữa trong những bài giảng trực tuyến tiếp theo của mình. Mạng tuy ảo nhưng tình người là thật, bản lĩnh là thật, tâm huyết và mồ hôi các thầy cô đã rơi cũng là sự thật.  

Không gì thay thế được con người bằng xương bằng thịt và những sự kết nối trực tiếp. Thầy cô đều thích dạy trên lớp thực tế hơn là phải dạy online và ngồi trước một cái điện thoại/máy tính vô hồn. Nhưng khi hoàn cảnh buộc chúng ta phải lựa chọn đào tạo từ xa như một phương thức duy nhất giữa thời dịch bệnh, khi đất nước cần ta đóng góp sức lực và tâm trí theo những cách khác nhau, mỗi giáo viên càng phải nâng cao ý thức và khẳng định trách nhiệm công dân của mình qua chất lượng của những bài giảng trực tuyến.

Đó cũng là điều mà các giảng viên Khoa Xuất bản luôn tự nhắc nhở mình để bục giảng online cũng có chất lượng không thua kém gì những bài dạy offline.