Đến thời điểm hiện tại, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã thông báo kết quả tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020 đối với các giáo viên ký hợp đồng từ 31/12/2015 trở về trước.

Theo đó, hầu hết GVHĐ đều đã trúng tuyển. Tại huyện Sóc Sơn, 124 GVHĐ dự thi thì chỉ có 4 thí sinh không trúng tuyển do điểm thấp hơn người đăng ký cùng vị trí.

Tại thị xã Sơn Tây, có 88 người đăng kí dự thi, chỉ có 1 thí sinh không tham gia sát hạch, còn lại 87 người đều đỗ sau khi đạt điểm thực hành trên 50.

Huyện Hoài Đức có 89 thí sinh dự thi, tất cả đều vượt qua bài thi thực hành với điểm số cao. Huyện Phúc Thọ hơn 200 GVHĐ thi, cũng chỉ có vài ba người trượt

Tại huyện Ba Vì - nơi các GVHĐ lâu năm đã bị chấm dứt hợp đồng khi kết thúc năm học 2018-2019 thì đến nay hầu hết cũng đã nhận được “trái ngọt”. 156 giáo viên dự thi, thì có 6 người trượt, do rơi vào “thế” phải cạnh tranh. Trong số những giáo viên đỗ, có 5-6 người phải đi dạy xa nhà đến các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Ứng Hòa. Tuy nhiên, tâm trạng ai cũng hồ hởi, sẵn sàng lên đường để được theo đuổi đam mê với nghề... “gieo chữ”.

leftcenterrightdel
Thầy Phùng Đức Tăng trong hơn 1 năm bị cắt hợp đồng đã phải bươn trải rất nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC

Thầy Phùng Đức Tăng - giáo viên dạy Toán có 18 năm gắn bó với Trường THCS Phú Sơn (Ba Vì) nay phải đi xa nhà tới 60km đến dạy ở Trường THCS Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), nhưng khoảng cách địa lý không làm chùn bước chân người thầy.

Giọng trầm buồn, thầy Tăng nhớ lại: Kết thúc năm học 2018-2019, huyện Ba Vì chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Để trang trải cuộc sống, tôi đã phải bươn trải rất nhiều nghề, mùa hè rong ruổi đi lắp đặt điều hòa, hết mùa lại đi làm điện nước, rồi khung nhôm cửa kính, hàn xì… ai có việc gì thì tôi làm nấy với ngày công 200 nghìn đồng.

Suốt 18 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, trải qua 6 kỳ thi tuyển viên chức, cuối cùng may mắn cũng đã mỉm cười với thầy Tăng. “Khi biết tin đỗ viên chức, tôi đã rất vui mừng. Gánh nặng về 5 kỳ thi tuyển viên chức nhưng bị trượt, giờ đây mới được trút bỏ. Tôi đã vượt qua được chính mình và quan trọng hơn là được tiếp tục đứng trên bục giảng, được viết tiếp đam mê… “trồng người”. Nhiều bạn bè, người thân khi biết tôi đỗ đã động viên, chúc mừng, vợ, con cũng vui lây…

Mặc dù phải đi dạy xa nhà hơn 15km, nhưng thầy Nguyễn Văn Thắng - giáo viên dạy Sinh học, Trường THCS Cẩm Bình (huyện Phúc Thọ) không giấu nổi niềm vui: Tôi đã đỗ kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, phải dời Trường THCS Cẩm Bình sau 9 năm gắn bó để đến dạy ở Trường THCS Tam Hiệp cách xa nhà 15km, nhưng với tôi khoảng cách đó chỉ là “chuyện nhỏ”, bởi từ năm học này tôi đã có niềm vui lớn là được tiếp tục gắn bó với nghề dạy học. 9 năm trong nghề, tôi đã tham gia 2-3 kỳ thi tuyển viên chức, lần này mới toại nguyện, từ giờ tôi đã được yên tâm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục huyện nhà.

Là một trong những GVHĐ may mắn được giảng dạy ở ngôi trường cũ, 1 GVHĐ ở Sóc Sơn tâm sự: Đến giờ phút này không chỉ mình tôi mà tất các GVHĐ đều thấy rằng, Hà Nội đã “mở cửa” chào đón GVHĐ, phần lớn GVHĐ ở các quận, huyện, thị xã đã đỗ trong kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, có những GVHĐ phải đi dạy xa nhà hơn, nhưng ai nấy đều vui vẻ chấp nhận, bởi với người giáo viên điều trọng nhất vẫn là được làm “người lái đò” chở “khách”… sang sông.

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, toàn TP có 2.034 GVHĐ đủ điều kiện xét tuyển đặc cách theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, chỉ có 1.998 người đăng ký tuyển dụng đặc cách; 36 GVHĐ còn lại vì lý do cá nhân, không tham gia xét tuyển đợt này.

Số thí sinh trúng tuyển là 1.898 người (trong đó, khối mầm non 770 người; tiểu học 370 người; THCS 758 người); số thí sinh không trúng tuyển là 100 người (trong đó 42 trường hợp cam kết không thay đổi nguyện vọng và đã không vượt qua kỳ xét tuyển; 29 trường hợp không đạt đủ 50 điểm và 29 trường hợp bỏ thi).

Hải Hà