Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tới lớp tăng

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, những chính sách, hỗ trợ cơ sở vật chất kịp thời, chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.

Bằng các chương trình, dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục.

Đến nay, đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại, đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi được quan tâm đầu tư đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.

Các trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2019 - 2020, trường PTDTNT được thành lập ở 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 316 trường. Tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT.

Năm học 2020-2021, vùng DTTS, miền núi có 3.489 trường mầm non, 3.195 trường tiểu học, 2.604 trường THCS, 967 trường tiểu học và THCS, 488 trường THPT, 93 trường THCS và THPT. Hệ thống các trường chuyên biệt dành cho con em người DTTS và con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn được củng cố và phát triển.

Toàn quốc hiện có 320 trường PTDTNT ở 49 tỉnh, thành phố với 105.818 học sinh; 1.134 trường PTDTBT ở 29 tỉnh, thành phố với 250.795 học sinh. Ngoài ra, còn có 2.273 trường phổ thông ở 29 tỉnh, thành phố có học sinh bán trú với số lượng 161.241 học sinh bán trú. Nhờ có hệ thống trường PTDTBT mà tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi tới lớp tăng, số học sinh DTTS bỏ học giảm.

Hiện có 4 trường dự bị đại học: Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có hệ dự bị đại học; 3 khóa dự bị đại học thuộc các trường đại học (Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh) với quy mô hơn 5.000 học sinh dự bị/năm.

Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT, PTDTBT, dự bị đại học dần được nâng lên qua từng năm học, đã và đang thực hiện tốt việc tạo nguồn đào tạo nhân lực có chất lượng cho các địa phương.

Theo Vụ trưởng Giáo dục Dân tộc, Bộ GDÐT, bà Lê Thị Thanh Nhàn, một trong những yếu tố góp phần duy trì chất lượng và tỷ lệ học sinh vùng dân tộc miền núi tới lớp tăng cao thời gian qua là nhờ chế độ, chính sách đối với học sinh vùng DTTS, miền núi được bảo đảm.

Chế độ, chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động trẻ em, học sinh, sinh viên người DTTS đi học, không bỏ học giữa chừng. Nhiều địa phương đã ban hành những chính sách riêng để hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS của địa phương mình.

Tỷ lệ học sinh các trường PTDTNT xếp loại hạnh kiểm tốt, khá đạt hơn 95%; tỷ lệ học sinh khá, giỏi hơn 60%; học sinh tốt nghiệp THCS hơn 98% và tốt nghiệp THPT hơn 90%.

Chất lượng giáo dục của trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp tăng; tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%; học sinh bán trú cấp THCS hoàn thành cấp học đạt 92%.

Môi trường học tập ở trường PTDTBT đã giúp học sinh DTTS tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm.

leftcenterrightdel
Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Ảnh: LP

 

Xây dựng hệ thống trường PTDTBT là nòng cốt 

Mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia kéo dài 10 năm. Chương trình gồm 10 dự án thành phần. Trong dự án 5 của chương trình, Bộ GDĐT được giao chủ trì Tiểu Dự án 1 về đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, trường PTDTBT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, Tiểu Dự án 1 của dự án 5 có 4 mục tiêu chính là đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho con em đồng bào DTTS, miền núi, bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc; củng cố và phát triển hợp lý hệ thống các trường PTDTNT, trường PTDTBT để bảo đảm tốt việc tổ chức dạy học và nuôi dưỡng học sinh DTTS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, trường PTDTBT. Và đặc biệt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về công tác xóa mù chữ.

Theo Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GDĐT, giai đoạn 2021 - 2030, ngành Giáo dục tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống trường PTDTNT theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh lãng phí. Tiến hành rà soát, quy hoạch hoàn thiện trường PTDTNT phù hợp với đặc điểm của vùng, địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện địa lý tự nhiên và dân tộc. Trường PTDTNT phải được quản lý chặt chẽ đầu vào, đầu ra theo đúng mục tiêu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Đối với hệ thống trường PTDTBT, tiếp tục củng cố, duy trì và phát triển trên cơ sở phù hợp với thực tế của địa phương. Đảm bảo trường PTDTBT được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và có chất lượng. Tổ chức tốt công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh DTTS và các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trường PTDTBT theo hướng chuẩn hóa. Thực hiện tốt chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Từng bước xây dựng hệ thống trường PTDTBT là nòng cốt trong hệ thống giáo dục dân tộc, nhằm tạo nguồn đào tạo nguồn nhân lực người DTTS chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi.

Phương Hiếu