Tại cuộc hội thảo, TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết, với mục tiêu là đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu của Trường Cán bộ Thanh tra, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức ngành Thanh tra nói riêng và các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra nói chung.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Thanh tra được tổ chức bồi dưỡng cho các bộ ngành, địa phương từ năm 2011 đến nay như chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra.

Trên cơ sở mục tiêu chung và phạm vi nghiên cứu, đề tài triển khai 3 nội dung sau: Một số vấn đề chung về chương trình, đạo tào, bồi dưỡng chuyên sâu của Trường Cán bộ Thanh tra; Thực trạng khung chương trình, nội dung chương trình và việc tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu của Trường Cán bộ Thanh tra; Quan điểm, giải pháp hoàn thiện nội dung và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu của Trường Cán bộ Thanh tra.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Phát biểu tại cuộc hội thảo, TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, Chương I cần làm rõ hơn khái niệm “chuyên sâu”, “chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu”; so sánh sự giống và khác nhau giữa chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với chương trình đào tạo, bồi dưỡng thông thường; xác định rõ đối tượng đào tạo.

Chương II nên bổ sung thực trạng chương trình cơ bản để đề xuất chương trình chuyên sâu. Phần 2.1.2 về thực trạng khung, nội dung và việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ thanh tra và phần 2.1.3 về thực trạng khung, nội dung và việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về phòng, chống tham nhũng chuyển sang chương III.

Đối với chương III, 3.2.1 về xây dựng và hoàn thiện nội dung chương trình nên thêm từ “chuyên sâu” và tên của đề mục; tên 3.2.2 là tổ chức thực hiện cần đổi là giải pháp tổ chức thực hiện.

Đại diện Trường Cán bộ Thanh tra nhận định về cơ bản những nội dung cần thiết đã được đề tài thể hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, Đề tài cần thể hiện rõ hơn việc đào tạo của Trường Cán bộ Thanh tra có tính đặc thù; cần có sự tuyên truyền để đối tượng đào tạo hiểu được chương trình chuyên sâu này.

Phần thực trạng, bổ sung một số nội dung về thanh tra liên quan đến đất đai, giao thông. Phần giải pháp nên thể hiện thành 3 trụ cột như phần thực trạng đã đánh giá: về chương trình thanh tra; chương trình giải quyết khiếu nại tố cáo; chương trình về phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đề tài rà soát lại số liệu về số lượng học viên thể hiện tại Chương II cho chính xác; nội dung tồn tại cần bổ sung là chưa tách bạch được thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Chủ nhiệm Đề tài khi triển khai nghiên cứu cần coi trọng vấn đề “chuyên sâu” mà một trong những nội dung quan trọng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu phải xét đến đối tượng.

ThS Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cho rằng, Chủ nhiệm Đề tài cần thể hiện rõ hơn trong đề tài khái niệm “chuyên sâu”, sự khác biệt giữa chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với chương trình đào tạo, bồi dưỡng cơ bản; phần nguyên nhân cần nhìn nhận một cách tổng thể hơn, không chỉ nằm ở đội ngũ giảng viên ở trường mà nó là cả một hệ thống.

Thái Hải