Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ giáo dục văn hóa trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) là giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giáo dục thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc, từng bước hình thành ở học sinh lòng tự hào dân tộc, thái độ tự tin khi giới thiệu những giá trị văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác, làm nên tiếng nói đa dạng, phong phú trong nền văn hóa thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Mỗi học sinh trường PTDTNT là đại diện văn hóa của một vùng quê, một dân tộc. Do đó, trường PTDTNT cần tạo điều kiện để học sinh được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác, để dòng chảy văn hóa không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh; tổ chức các hoạt động tìm hiểu, thể hiện, giao lưu văn hóa để học sinh được trao đổi học tập và cùng tham gia vào việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân tộc…

Nhờ được tiếp xúc thường xuyên với các hoạt động văn hóa và thông qua hoạt động văn hóa mà học sinh trường PTDTNT luôn hiểu biết, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời còn là người hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em.

Tại các trường PTDTNT, các hoạt động giao lưu văn hóa đã trở thành nét đẹp truyền thống được định kỳ tổ chức vào thứ 2 hàng tuần và các ngày lễ lớn trong năm. Vào những ngày này, học sinh được xúng xính trong trang phục dân tộc mình, coi đó như là nét riêng của bản thân, và cũng là bản sắc của ngôi trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh qua việc xây dựng phòng truyền thống nhà trường, thư viện văn hóa để trưng bày, lưu giữ, quảng bá các sản phẩm văn hóa dân tộc...

Bên cạnh đó, các trường còn đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và nỗ lực học tập tốt, để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Có trường còn lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học, hay tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan, khảo sát tìm hiểu thực tế tại các bản làng; khai thác kinh nghiệm thực tế, truyền thống văn hóa vốn có của học sinh.

Tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số, tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc, học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của các dân tộc, tổ chức Tết dân tộc, lễ hội, tổ chức các câu lạc bộ (câu lạc bộ múa, câu lạc bộ ca dao dân ca, câu lạc bộ cồng chiêng...), hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục dân tộc, trưng bày bản sắc văn hóa của các dân tộc, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong trường học, thực hành các nghề thủ công truyền thống, liên hoan văn nghệ và trò chơi dân gian, mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy văn hóa cho học sinh...

Theo thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPTDTNT Huỳnh Cương, tỉnh Sóc Trăng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer nói riêng cần được cộng đồng, xã hội giữ gìn và phát huy.

Cũng theo thầy Ngói, Trường THPTDTNT Huỳnh Cương có đến 95% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và 5% học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống trên đại bàn tỉnh (trừ các huyện, thị: Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Thạnh Trị và Ngã Năm).

Trong kế hoạch công tác của nhà trường, về phía lãnh đạo nhà trường, hàng năm có kế hoạch đã lồng ghép các hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; chỉ đạo bộ phận chuyên môn, hàng năm xây dựng kế hoạch nhằm phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục và phát huy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về phía các đoàn thể và giáo viên thực hiện xây dựng kế hoạch phù hợp cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giáo viên các môn văn hóa, nhất là Ngữ văn, Khmer, Giáo dục công dân, Địa lý, Lịch sử… phải lồng ghép vào việc giáo dục nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Học sinh phải thực hiện tốt các hoạt động giáo dục và rèn luyện tại trường; tham gia tốt các hoạt động của các câu lạc bộ, hội thi và duy trì các câu lạc bộ.

Cũng theo thầy Ngói, để phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ngày càng đặc sắc và đa dạng hơn, nhà trường còn lồng ghép các hoạt động ngoại khóa và giáo dục như tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống: Lễ cúng trăng, hội trại Chol-Chnam-Thmay, các trò chơi dân gian... để duy trì các phong tục, lễ hội, văn hóa.

Có thể thấy, việc đưa nét đẹp văn hóa các dân tộc vào trường học như một buổi sinh hoạt ngoại khóa bổ ích không chỉ giúp công tác giáo dục trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, nó còn là nhịp cầu tạo sự gắn bó, gần gũi giữa những người đam mê nghệ thuật truyền thống với lớp trẻ. Qua mỗi chương trình, học sinh có thể dần hình thành thói quen tìm hiểu và quan tâm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Lê Phương