Trong đó, thay đổi đáng đáng chú ý là thay vì phải thi 1 môn tiếng Anh bắt buộc, các ứng viên dự thi được chọn 1 trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc để tham gia thi phần thi ngoại ngữ vòng 1.

Công văn hỏa tốc cũng cho biết, ngày chốt nhận hồ sơ đăng ký dự thi là ngày 13/4/2019. Dù vào ngày thứ 7, nhưng các đơn vị vẫn phải cử người trực để thực hiện tiếp nhận hồ sơ đến 17 giờ cùng ngày.

Khi tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển, các đơn vị không yêu cầu kiểm tra văn bằng chứng chỉ của người đăng ký dự tuyển, nếu trúng tuyển các cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng sẽ kiểm tra đối chiếu các bản gốc trước khi ban hành quyết định tuyển dụng.

Trước đó, Báo Thanh tra đã có loạt bài phản ánh về việc hàng trăm giáo viên (GV) ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc bởi kỳ thi tuyển viên chức sắp diễn ra. 

Điểm mới của kỳ thi viên chức lần này là đối tượng thi được mở rộng, không có giới hạn về hộ khẩu, không giới hạn độ tuổi, và đặc biệt không có chế độ ưu tiên nào đối với GV hợp đồng lâu năm, nếu không vượt qua “cửa ải” lần này, gần 300 GV sẽ chính thức bị mất việc vào tháng 5/2020.

Tuy nhiên, nhiều GV cho biết, họ không tin tưởng vào kết quả của  kỳ thi này bởi thực tế nhiều GV giỏi cấp huyện, cấp thành phố thi nhiều lần vẫn… trượt?

Thầy Nguyễn Văn Hùng - GV tiếng Anh, Trường THCS Phù Ninh là Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm, đã từng đoạt giải Nhất GV giỏi tiếng Anh cấp huyện; giải Ba GV giỏi cấp thành phố, có nhiều học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi… nhưng khi thi viên chức lại trượt.

Không chỉ thầy Hùng, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - GV tiếng Anh, Trường Tiểu Học Thanh Xuân A- là người duy nhất trong cả huyện Sóc Sơn đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo chuẩn của châu Âu theo kết quả rà soát năm 2013 của TP Hà Nội, là GV dạy giỏi cấp huyện, nhiều năm là chiến sĩ thi đua cơ sở nhưng 3 lần thi viên chức đều... trượt.

Cô Hiền kể: "Lần thứ 3 thi viên chức vì tôi có bằng đại học loại giỏi nên theo quy định được ưu tiên cộng 10 điểm, đây là lợi thế lắm rồi, cộng với điểm soạn giáo án đạt cao nhất, điểm giảng dạy cao nhất, nhưng vòng phỏng vấn cuối cùng điểm của tôi lại thấp hơn nên lại trượt. Thực sự tôi thấy kỳ thi này rất khó, đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh và không tự tin mình sẽ vượt qua”.

Nhiều GV cho biết, họ không sợ thi mà sợ kỳ thi thiếu minh bạch và không công bằng.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 1/4/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời trên Báo Người lao động: "Hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số GV đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất việc".

Trước đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các GV tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt; tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên; là cán bộ công đoàn và GV có hoàn cảnh khó khăn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Hải Hà