Sáng 22/5, bên hành lang phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh trả lời báo chí liên quan đến vụ gian lận điểm thi 2018 tại tỉnh này.

Theo ông Triệu Tài Vinh, vụ việc đang được xử lý. “Tôi vừa gọi điện yêu cầu phải khẩn trương kiểm điểm đi”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thông tin.

Tuy nhiên, vấn đề mà công luận và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là, vụ việc đã xảy ra gần một năm, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc từ lâu, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có kết quả?

“Cái gì cũng có quy trình của nó. Khởi tố vụ án liên quan đến con người thế nào, trách nhiệm ra sao? Vụ việc đang trong quá trình xử lý”, ông Vinh nói và cho biết, có thể một tháng nữa sẽ có kết quả.

“Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn anh”, ông Triệu Tài Vinh khẳng định.

Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong vụ việc này, ông Triệu Tài Vinh thẳng thắn, “tôi biết anh quan tâm tới gì. Tôi còn nóng hơn anh. Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.

Trước đó, như báo chí đưa tin, con gái Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khi chấm thẩm định có 2 môn bị giảm điểm. Cụ thể, môn Toán công bố 9,4 nhưng sau chấm thẩm định giảm xuống còn 6 điểm. Môn Ngoại ngữ giảm từ 10 xuống 8 điểm.

Trước khi chấm thẩm định, thí sinh này có tổng điểm xét tuyển theo khối D1 (Toán, Văn, Tiếng Anh) là 26,9. Sau khi chấm thẩm định, tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5. Tổng điểm đã sụt giảm 5,4 điểm.

Xung quanh vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Theo đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, có 3 chủ thể phải chịu trách nhiệm về vụ việc gian lận thi cử vừa qua: Một là học sinh và cha mẹ học sinh; hai là nhà trường và giáo viên; và ba là trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý giáo dục.

Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) đánh giá, các trường hợp vi phạm trong gian lận thi cử vừa qua xảy ra ở đâu? Những trường hợp đó là quan chức, dù ở những cấp khác nhau nhưng đều là cấp địa phương, con người của địa phương, do địa phương bổ nhiệm, do địa phương đào tạo.

“Trách nhiệm trước hết của chính quyền địa phương chứ không đổ cho Bộ Giáo dục Đào tạo được. Còn Bộ phải có trách nhiệm rà soát xem chỗ nào hở trong quy trình đang bị lợi dụng để bịt lại”, ông Sơn nói.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cũng cho rằng, sai phạm gian lận điểm thi vừa qua xảy ra ở địa phương, thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu địa phương, phải nhìn nhận đầu tiên. Tuy nhiên hiện nay suy nghĩ, tư duy và hành động của người đứng đầu chưa rõ nét.

“Muốn lấy lại niềm tin của người dân về giáo dục, không chỉ cấp Bộ mà còn phải ở địa phương”, bà Hiền nói và nêu rõ, cơ quan chức năng cần trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc này.

Thảo Nguyên