Sáng nay 31/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã đến làm việc với lãnh đạo Trường THCS Phù Ủng về vụ việc nữ sinh lớp 9 bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng phải vào viện điều trị.

Cuộc họp có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hưng Yên, lãnh đạo huyện Ân Thi và các cơ quan chức năng của tỉnh.

Tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường báo cáo lại diễn biến sự việc, nghe tường trình của cô giáo chủ nhiệm về quá trình quản lí lớp học và nguyên nhân dẫn đến sự việc.

Về Hưng Yên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chất vấn trách nhiệm ngăn ngừa bắt nạt học đường
Lãnh đạo tỉnh tuyên bố sẽ xử lý nghiêm khắc Trường THCS Phù Ủng,hội đồng sư phạm, cô giáo chủ nhiệm. Ảnh: Thanh Hùng.

Theo tường thuật của báo Giáo dục - Thời đại, Bộ trưởng Nhạ đã liên tiếp đặt ra các câu hỏi với giáo viên chủ nhiệm như: "Cô giáo gọi hỏi khi đã xảy ra sự việc hay hay trước đó cũng đã nghe thấy rồi và chưa hỏi han gì; với trách nhiệm của nhà giáo là quan tâm sâu sắc, nghe ngóng tâm tư nguyện vọng rồi tìm hiểu trước tình hình học sinh để chủ động phòng chống, cô có đọc Nghị định của Bộ không hay chỉ đợi học sinh tố giác thì mới xử lý".

Cô giáo chủ nhiệm trả lời: “Tôi cũng nắm rõ quy định của giáo dục nhưng do lứa tuổi của các em suy nghĩ thay đổi theo từng ngày. Chính vì vậy tôi cũng thường xuyên trao đổi, gặp gỡ riêng với học sinh để tìm hiểu về tâm lý của các em, thường xuyên gặp gỡ ban cán sự lớp để nắm rõ tình hình của lớp.

Bộ trưởng hỏi tiếp: “Tôi xin hỏi về việc phòng hơn chống, bởi trước đó em Y. được các cô nhận xét là ít nói, ít giao tiếp và 5 học sinh kia là nghịch ngợm và cũng đã có những biẻu hiện bắt nạt rồi. Vậy thì cô đã có biện pháp gì chưa? Hay là để đến khi có sự việc nghiêm trọng thì lúc đấy cô mới báo cáo nhà trường. Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm là phải sâu sát, chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tâm lý của học sinh có những biểu hiện gì để phối hợp với nhà trường có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ chứ không thể để xảy ra sự việc đau lòng như vừa rồi, cô thấy thế nào?”

Giáo viên chủ nhiệm đáp: “Không chỉ với một mình học sinh Y., mà bất cứ em nào có một biểu lạ là tôi cũng đều tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Có một số em thì mạnh dạn tâm sự, một số em thì chưa dám tâm sự với cô giáo. Thậm chí về gia đình, bố mẹ là người thân, là người tiếp xúc với các em thường xuyên hơn cô giáo mà các em còn không tâm sự. Chính vì vậy, một số sự việc của lớp thì tôi đã nắm bắt kịp thời và đã xử lý các em và mức độ xử lý một số lần đối với các em đánh bạn hay có thái độ trong việc học của mình không đúng thì chúng tôi cũng tùy mức để đưa ra hình thức kỉ luật. Ví dụ mức độ nhẹ tôi sẽ yêu cầu các em viết bản kiểm điểm và thông báo về cho phụ huynh, với mức độ nặng như lặp lại lần thứ 2, lần thứ 3 thì có thể mời phụ huynh lên trường để trao đổi, báo cáo với ban lãnh đạo nhà trường để xin ý kiến của hội đồng kỷ luật nhà trường hoặc nặng hơn nữa tôi sẽ xin ban lãnh đạo nhà trường đình chỉ học.

Trước đó, cô giáo chủ nhiệm T. cũng bị đình chỉ công tác chủ nhiệm; trường đã bố trí giáo viên khác thay thế cho đến hết năm học.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên bày tỏ quan điểm xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân liên quan tới sự việc.

(Theo Giáo dục và Thời đại)