Phần mềm cải tiến, thông tin bảo mật đến phút chót

Một trong những điểm mới là các trường đại học sẽ chủ trì nhiệm vụ chấm thi tại các địa phương thay vì để địa phương là đơn vị chủ trì như mọi năm.

Ngày 20/6, Học viện Kỹ thuật quân sự - đơn vị được phân công nhiệm vụ chấm thi toàn bộ bài thi trắc nghiệm của tỉnh Hà Giang năm nay – đã cử một nhóm cán bộ xuống địa phương để kiểm tra cơ sở vật chất chuẩn bị cho công tác này.

Ngày 23/6, đoàn cán bộ của Trường ĐH Thuỷ lợi cũng được cử lên tỉnh Điện Biên để “format” lại toàn bộ hệ thống máy tính được giao, sau đó niêm phong cho đến ngày chấm thi.

Từ ngày 21-23/6, hàng trăm cán bộ giảng viên của các trường đại học cũng đã bắt đầu ra quân, đổ về các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ coi thi.

Tại các tỉnh Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Thuận… hay các “điểm nóng” của năm ngoái là Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang cũng đã sẵn sàng trước “giờ G”.

Ông Lê Minh Thái – Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết, cá nhân ông đánh giá năm nay phía Hà Giang rất chủ động và tích cực phối hợp với trường để bàn bạc, lên kế hoạch, phân công chuẩn bị cho kỳ thi.

Còn tại Sơn La, mặc dù tỉnh này hiện đang gặp khó khăn về nhân sự do thiếu lãnh đạo cấp Sở/Phòng GD-ĐT để tham gia Hội đồng thi nhưng đến thời điểm hiện tại, các điều kiện về nhân sự cũng đã hoàn tất.

Phó ban Thường trực thi tỉnh cho biết, tất cả các cán bộ tham gia làm thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an. Những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn… mới được lựa chọn.

Điều này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh này trong việc tổ chức một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc.

Áp lực rất lớn

Cách đây 2 tháng, UBND tỉnh Điện Biên đã mời trường Trường ĐH Thuỷ lợi lên họp ban chỉ đạo để thống nhất kế hoạch cho các khâu của kỳ thi. Trường ĐH Thuỷ lợi là đơn vị duy nhất phối hợp với tỉnh trong khâu chấm thi.

Đại diện lãnh đạo các trường cũng cho biết, một điểm mới của năm nay là phần mềm chấm thi của Bộ có một số cải tiến, nâng cấp hơn các năm trước nhằm đảm bảo hệ thống được chặt chẽ nhất có thể. Đến thời điểm hiện tại, Bộ vẫn chưa hé lộ bất cứ thông tin gì về việc phối hợp chấm thi.

“Tất nhiên, chúng tôi đã tập huấn kỹ càng và chuẩn bị một nhóm cán bộ sẵn sàng cho nhiệm vụ này cũng như mọi năm, nhưng những thông tin như cán bộ thanh tra chấm thi của trường nào, công an từ đơn vị nào, ngày nào thì bắt đầu chấm… chúng tôi không hề biết”.

Ông Việt cho rằng “điều này là rất tốt. Có lẽ Bộ muốn giữ kín đến phút chót nên đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về công tác chấm thi”.

Còn tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong buổi tập huấn cho 802 cán bộ trước thềm kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giảng viên cùng chung lo lắng và áp lực về trách nhiệm của mình sắp tới sau những gì đã xảy ra ở năm 2018.

Theo PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh nhà trường, với quy chế thi mới, việc gian lận liên quan đến chấm thi trắc nghiệm hầu như rất khó bởi công đoạn này là do các trường đại học đảm nhiệm.

Vì thế, rủi ro lại có thể xảy ra ở khâu coi thi, đặc biệt trước tình trạng thiết bị công nghệ cao đang tràn lan.

“Một chiếc cúc áo cũng có thể quay được camera, trong khi bằng mắt thường rất khó để phát hiện. Thầy cô có thể phát hiện thông qua thái độ, cử chỉ của thí sinh. Điều này cũng rất cần giám thị phải có kinh nghiệm” - ông Kiên nói.

Theo ông, một điểm quan trọng khác được nhấn mạnh trong các buổi tập huấn, là “cán bộ thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ đúng quy chế, thực hiện đúng quy trình, không sáng tạo các giải pháp xử lý ngoài quy chế”. Chẳng hạn sự cố xảy ra tại kỳ thi vào lớp 10 của Quảng Bình năm nay, từ việc giải quyết thiếu hợp lý của các giám thị đã dẫn đến hậu quả hàng chục thí sinh phải thi lại.

Những bí mật đến phút chót thi THPT quốc gia 2019
Tập huấn kỹ càng cho các cán bộ làm công tác thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: CCPR

Đây cũng là tâm trạng chung của những người làm công tác thi tại TP.HCM. Mặc dù TP.HCM được xem là địa phương nghiêm túc trong tổ chức các kỳ thi và chưa từng có tiền lệ xảy ra sai sót, nhưng ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, vẫn cảm thấy “căng” và “tập trung hết sức” trước áp lực gian lận thi cử năm ngoái.

“Áp lực là rất lớn, do đó chúng tôi phải làm kỹ. Mặt khác năm nay có nhiều quy định mới hơn nữa chúng tôi càng chịu áp lực vô hình từ dư luận” - ông Trung nói.

Phó trưởng điểm thi cũng phải ngủ lại tại phòng chứa bài

Về công tác bảo mật, ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, đây cũng là năm đầu tiên cán bộ của trường đại học – phó trưởng điểm thi phải ngủ lại phòng chứa đề thi và bài thi. Vì thế, nếu công an phối hợp cùng là nam thì trường lại phải bố trí phó trưởng điểm thi là nam để tiện sinh hoạt trong phòng. Căn phòng này cũng sẽ có camera giám sát.

Tại Bình Thuận, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, đơn vị đảm nhận công tác coi, chấm thi trắc nghiệm tỉnh này cho biết, công tác bảo quản bài thi và đề thi do điểm phó từ các trường đại học đảm nhận để tránh tình trạng lợi dụng buổi tối cán bộ tại địa phương ở lại can thiệp vào bài thi.

Việc đảm bảo an ninh tại điểm thi được bố trí thành 2 vòng. Vòng ngoài do cảnh sát và bảo vệ tại khu vực thực hiện, đảm bảo cách ly với bên ngoài. Vòng trong có bộ phận an ninh hỗ trợ, đặc biệt là khu vực lưu trữ bài thi, đề thi.

Điều chỉnh để ngăn ngừa nguy cơ

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 cho hay: Năm 2018, có nhiều ý kiến cho rằng, với văn hóa chất lượng, tâm lý và bệnh thành tích của ta, nếu để địa phương chủ trì phần lớn thì sẽ đem đến nhiều nguy cơ. Vì vậy, năm nay kỳ thi đã có sự điều chỉnh ở mức độ không làm thay đổi phương thức tổ chức cuộc thi.

Kỳ thi vẫn do địa phương chủ trì, vẫn với nguyên tắc 50 – 50, đại học vẫn tham gia vào tất cả các khâu. Riêng việc chấm thi trắc nghiệm sẽ do các trường đại học hoàn toàn chủ trì và do ban chỉ đạo thi THPT quốc gia chỉ đạo đồng bộ trong cả hệ thống.

Việc tách chấm thi ra khỏi những người vừa tổ chức dạy học, vừa tổ chức thi vừa làm cho tính khách quan cao hơn, và củng cố sự tin tưởng của xã hội vào kỳ thi.

Các trường có tâm thế chấm thi lấy kết quả tuyển thí sinh cho mình, không bị liên quan tới thành tích. Đây sẽ là một trong những yếu tố làm cho kết quả thi khách quan hơn, yên tâm hơn, đáng tin cậy hơn và nguy cơ can thiệp vào kết quả thi bị giảm thiểu tối đa.

“Họ sẽ thực tâm thực hiện công việc một cách trách nhiệm nhất”.

Bà Phụng cũng chia sẻ Khi đi kiểm tra tại các địa phương thì thấy họ không lo lắng nhiều về việc coi, chấm thi. Điều họ lo lắng lại là về việc thực hiện trách nhiệm của mình.

“Thậm chí, khi tôi vào Bình Định, Trường ĐH Quy Nhơn cũng đóng ở trên địa bàn, nhưng 2 bên vẫn có nhiều ý kiến tranh luận việc cùng nhau tổ chức tập huấn như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chứ không phải vì cùng trên địa bàn mà có thể du di cho nhau”.

(Theo VNN)