Vẫn còn SGK chưa được phê duyệt

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, SGK mới sẽ được đưa vào giảng dạy ở lớp 1, nhưng đến thời điểm này vẫn còn 1 môn học chưa có SGK.

So với chương trình hiện hành, chương trình mới có ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, do học 2 buổi/ngày nên chương trình mới tăng 525 tiết (chủ yếu tăng các môn học bắt buộc Ngoại ngữ, Tin học).

Chương trình mới cũng có thêm 2 môn học mới là Ngoại ngữ 1 (tiếng Anh) và Tin học và Công nghệ. Môn tiếng Anh sẽ được đưa vào dạy ở lớp 1 với tư cách là môn học tự chọn giữa tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng Anh. Còn môn Tin học và Công nghệ sẽ được dạy ở lớp 3.

Bên cạnh Tiếng Anh, học sinh lớp 1 theo chương trình mới còn học 8 môn học khác là Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc 1, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục thể chất. 8 môn học này hiện đã có 32 cuốn SGK của 3 nhà xuất bản (Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Theo lộ trình được Bộ GD&ĐT đặt ra, trước tháng 3/2020 các địa phương phải hoàn thành việc lựa chọn và công bố danh mục SGK sử dụng trong các trường phổ thông của tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, Sở GD&ĐT cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1.

Việc in, phát hành sách SGK lớp 1 phải được tiến hành đảm bảo đủ về số lượng đảm bảo chất lượng in ấn, đặc biệt là kịp thời về tiến độ để các nhà trường, giáo viên và học sinh kịp thời trang bị cho năm học mới. Việc in và phát hành SGK lớp 1 phải hoàn thành trước 30/7/2020.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn cuốn SGK môn tiếng Anh chưa được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc này được đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đã có 5 bản mẫu SGK Tiếng Anh được Hội đồng Thẩm định đánh giá đạt ở vòng 2, nhưng chưa được Bộ GD&ĐT phê duyệt do còn những vấn đề pháp lý phải điều chỉnh. Theo chương trình mới, đây cũng là môn tự chọn, Bộ GD&ĐT sẽ công bố sau khi công bố các môn chính. Nhưng cụ thể vào thời gian nào thì chưa được đại diện Bộ GD&ĐT tiết lộ.

Lo ngại tiêu cực

Năm học 2020-2021 sẽ là năm học có nhiều thay đổi với việc lần đầu tiên có nhiều bộ SGK được đưa vào giảng dạy, việc chọn sách nào cũng do các địa phương được quyền quyết định. Vấn đề được dư luận quan tâm là ai thực hiện chọn sách? Việc thực hiện tiến hành sẽ như thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh trường hợp chỉ chọn 1 bộ "đồng phục" cho dễ quản lý?

Trả lời vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thẩm quyền và qui trình lựa chọn SGK được quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT".

SGK được lựa chọn phải bảo đảm các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lí, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 đầu SGK; UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK.

Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Hội đồng được thành lập theo môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học.

Bộ GD&ĐT lưu ý, thành phần Hội đồng phải có đại diện Sở GD&DT, các sở, ngành liên quan; nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có kinh nghiệm và uy tín. Đặc biệt, phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Tuy nhiên, việc để cho các địa phương chọn SGK cũng dấy lên lo ngại tiêu cực có thể xảy ra, bởi rất dễ có hiện tượng chọn sách theo kiểu "ấn từ trên xuống" hay nảy sinh lợi ích nhóm…

Trước băn khoăn đó, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong hướng dẫn để các địa phương lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT đã tính đến việc này. Điều này có thể được hạn chế bằng ý kiến đóng góp của chính giáo viên tham gia hội đồng chọn sách SGK của các tỉnh cũng như cộng đồng giáo viên. Hội đồng chọn sách phải lắng nghe các ý kiến này và nếu công khai, minh bạch sẽ hạn chế được tiêu cực có thể xảy ra.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn chọn SGK, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 12 tới. Căn cứ vào thông tư này, các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK.

Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, sẽ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo chương trình mới, cũng như thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.

Hải Hà