Lo mỗi nhiệm kỳ lãnh đạo nhà trường lại thay đổi SGK

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, luật nên xác định theo hướng, với môn khoa học tự nhiên nên có một hoặc nhiều SGK, nhưng với môn khoa học xã hội thì nên thống nhất chung một bộ SGK trong cả nước.

Đồng tình với ĐB Tám, theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), cử tri thắc mắc là tại sao “suốt ngày cứ loay hoay đi biên soạn SGK”, trong khi trên thế giới có nhiều bộ sách tiến bộ.

“Tất nhiên SGK về lịch sử, xã hội, mỗi đất nước có một đặc thù riêng phải biên soạn riêng, nhưng sách tự nhiên thì là tiến bộ, thành quả chung của xã hội thì tại sao lại biên soạn lại, vừa tốn kém, vừa gây tranh cãi”, ông Lâm nói.

ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

 

Vị ĐB đoàn Bắc Giang lưu ý thêm, giáo viên, cử tri, gia đình học sinh cũng rất băn khoăn khi có nhiều bộ SGK. Tuy giải trình có lý là để phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, nhưng lựa chọn như thế nào, cấp nào, cơ quan nào để sử dụng ổn định, phù hợp là vấn đề đặt ra.

“Quy định như dự thảo thì cơ sở giáo dục, tức là mỗi trường chủ động lựa chọn SGK sẽ phức tạp, rối loạn, học sinh chuyển trường cũng phải thay SGK, chuyển vùng cũng phải thay SGK, ngay trong 1 huyện, 1 xã cũng nhiều SGK khác nhau thì phức tạp và khó khăn. Và liệu sau này có hiện tượng, xúc tiến thương mại để SGK của mình được vào dạy trong các trường không?” ông Lâm nêu và đề nghị, cần phải có quy định, định hướng để lựa chọn SGK phù hợp với địa phương.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu, nội dung SGK ngoài kiến thức phải có chiều sâu hình thành nhân cách, định hướng đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước.

ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi)

 

Do vậy, theo nữ ĐB, SGK phải do Hội đồng cấp Quốc gia, Chính phủ biên soạn sử dụng được nhiều lần, áp dụng thống nhất trên cả nước, có phần mở ở một số môn để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Định kỳ 5 - 10 năm, Hội đồng cấp Quốc gia tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung cải tiến nâng cao phù hợp thực tiễn.

“Quy định mỗi môn học có một số SGK, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập trên cơ sở thông qua ý kiến của giáo viên, học sinh, phụ huynh có thể dẫn đến những hệ lụy do nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và rất có thể rơi vào ý kiến chủ quan của lãnh đạo cơ sở giáo dục”, bà Trang lưu ý thêm, cha mẹ học sinh cũng không thể có đầy đủ hiểu biết để đưa ra ý kiến nên việc lấy ý kiến có thể chỉ là hình thức.

ĐB tỉnh Quảng Ngãi nói thêm, có thể còn tạo ra sự xáo trộn, lãng phí trong xã hội vì mỗi năm học, mỗi nhiệm kỳ có thể lại thay đổi SGK. “Thực tế, thời gian qua đã xảy ra việc cha mẹ mua SGK dán tên nhãn vở đầy đủ nhưng vào năm học, nhà trường lại kêu không phải sách này”, bà Trang phát biểu.

Không có bộ sách chung, làm sao có kỳ thi quốc gia chung được

Với ĐB tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 1 chương trình chỉ có một bộ SGK trên cơ sở cân nhắc kỹ trước khi biên soạn cho phù hợp. Bởi theo ông nếu một chương trình mà có nhiều SGK sẽ gây ra nhiều bất cập, lãng phí cho xã hội.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

 

“Quy định giao cho nhà trường lựa chọn, rồi tham khảo ý kiến phụ huynh học sinh, nhưng họ biết gì đâu mà hỏi? Quy định như vậy cũng chỉ mang tính hình thức”, ông Hòa nói và nêu bất cập khi cùng trong 1 tỉnh, trường dùng sách này, trường dạy sách kia, rất phức tạp. Thay vào đó tại sao lại không có SGK chung cả nước, để lúc học, lúc thi cũng dễ dàng vì đây là kỳ thi chung quốc gia.

Chung quan điểm, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề, 1 chương trình có nhiều loại SGK thì có ảnh hưởng đến học sinh không? Có ảnh hưởng đến kỳ thi quốc gia chung hay không?. “Nếu không có bộ sách chung, làm sao có kỳ thi chung được? Theo tôi nên thống nhất một loại SGK chung, còn các loại sách khác để tham khảo”, ông Tiến nêu.

Tranh luận lại, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại ủng hộ quy định như trong dự thảo, bởi theo ông quy định mỗi môn học có một hoặc một số SGK là phù hợp.

Theo ĐB Phương, SGK chỉ là công cụ, phương tiện để thầy cô đưa các em tiếp cận nhanh, tốt hơn với chương trình giáo dục phổ thông. Mặt khác học sinh cũng được lựa chọn, đồng thời cũng tận dụng được chất xám biên soạn SGK, tránh một người biên soạn sẽ không có sự cạnh tranh.

Tiếp thu ý kiến và giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cả Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đều nhấn mạnh 1 chương trình nhiều SGK và lần này đổi mới rất căn bản toàn diện nên rất khác.

Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ

 

“Chương trình thiết kế 80% nội dung khung là thống nhất toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Nhưng không phải địa phương muốn viết gì thì viết, nó phải dưới hướng dẫn của Bộ. Và địa phương phải huy động tất cả các thành phần nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục viết theo hướng dẫn của Bộ. Sau đó, Bộ thẩm định thống nhất với chương trình tổng thể mới ban hành”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, người viết phải bám sát vào khung chương trình, chứ không phải “mỗi người viết một kiểu”. Và Bộ đã có thông tư hướng dẫn những người được viết SGK chứ không phải “ai muốn viết là viết”.

Chứng chỉ nghề nghiệp: Đừng buộc giáo viên phải gian dối mua bằng

Dẫn lại quy định của dự thảo về một trong những tiêu chuẩn nhà giáo là phải “đạt trình độ chuẩn về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định, “nghe rất đúng, rất chuẩn nhưng tôi đề nghị xem xét lại và quy định rõ ràng để tránh lợi dụng, lạm dụng, làm khó khăn thêm, khổ thêm cho giáo viên”.

ĐB cho rằng, theo quy định, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2 hay chứng chỉ nghề nghiệp là không cần thiết. Bởi, các trường sư phạm đã xây dựng chương trình toàn diện về chuyên môn, nghiệp vụ, ít nhất là 2 năm, hàng năm đều có bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật hàng năm.

ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

 

“Tôi khẳng định hàng vạn giáo viên than phiền, bức xúc vì buộc phải có chứng chỉ này. Vừa tốn tiền, tốn thời gian nhưng không để làm gì… Một quy định nghe rất hay nhưng thực chất đang gây ra hệ lụy, hệ quả xấu buộc giáo viên phải gian dối, phải mua bằng này, bằng kia, vi phạm điều tối kỵ của người thầy, vì ở các tỉnh làm gì có trung tâm dạy ngoại ngữ”, ông Vượt nói.

Ông cũng cho biết, ngay tỉnh Gia Lai, giáo viên sử dụng ngoại ngữ thứ 2 rất khó, rất hiếm. “Quy định này còn kéo theo nhiều sinh viên sư phạm ngoại ngữ được đào tạo rất bài bản, rất chuẩn nhưng chưa có ngoại ngữ thứ 2 đều bị loại, chưa được thi tuyển viên chức, mà tôi nghĩ học không để làm gì, đặc biệt là vùng cao”, ĐB Vượt đề nghị, loại bỏ chuyện có những chứng chỉ nghề nghiệp mà không để làm gì vì các chương trình đã đầy đủ rồi.


Bạo lực học đường có bắt nguồn từ sự “thiếu trong sáng” của giáo viên

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề, giáo dục đang gặp phải thách thức như thái độ lạnh lùng, ích kỷ, bạo lực học đường… Nhìn nhận căn nguyên và hành vi này phải chăng một phần thuộc về hành xử thiếu trong sáng của một bộ phận giáo viên.

“Hiện tượng ép học thêm, sàm sỡ, lạm dụng học sinh, đối xử thiếu công bằng, thiếu nhân ái với học sinh dẫn đến hệ quả tổn thương cho lòng tôn kính”, ông Tám phát biểu, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của gia đình, xã hội, sự phân hóa giàu nghèo tạo ra những hệ quả khó kiểm soát như sự kỳ thị, bạo lực…

Theo ĐB tỉnh Kom Tum, có nhiều phương pháp để khắc phục hạn chế trên, nhưng nền giáo dục sẽ làm dịu những xung đột, hàn gắn tổn thương bằng việc công bằng, yêu thương, không phân biệt đối xử.

“Học sinh phải cảm nhận được quyền học tập, quyền được tôn trọng, không phân biệt đối xử và học tập tốt nhất trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”, ĐB Tám nhận định, các quy định trong dự thảo đã đáp ứng được yêu cầu. Nhưng ông đề nghị, bổ sung quy định, xác định trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phải là của Nhà nước, ngành Giáo dục chứ không chỉ là trách nhiệm của mọi tổ chức, xã hội.


Hương Giang