Choáng váng

Ở môn Toán, theo thầy Trần Phương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng (Hà Nội) phổ điểm năm nay phần nào phản ánh chất lượng dạy và học ở phổ thông. Đề thi mặc dù có những câu rất dễ và được ra “đảm bảo tính an toàn” nhưng vẫn gần 40000 bài thi đạt điểm dưới 1 là điểm liệt.

Riêng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ 86 em và hơn 3000 em đạt từ 9 điểm trở lên là điều nằm trong dự đoán của thầy Trần Phương do đề thi năm nay có một số câu hỏi cực khó.

Còn theo thầy Đinh Hữu Lâm, tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội) phổ điểm môn Toán năm nay được đánh giá là khá đẹp.

Số thí sinh được điểm dưới 5 rất lớn, phổ điểm tập trung chủ yếu từ 5-7 điểm, số điểm từ 7-10 cũng ở mức độ giảm dần đều.

Tuy nhiên con số gần 40.000 bài thi đạt điểm liệt theo thầy Lâm là không hề nhỏ và đáng suy ngẫm về chất lượng dạy-học ở phổ thông hiện nay. “Toán học là môn cơ bản mà em nào cũng cần được trang bị. Với đề thi năm nay, việc đạt điểm 2 không có gì khó nếu thí sinh có đôi chút chú ý” – thầy Lâm phân tích. Theo thầy Lâm, nếu việc coi thi nghiêm túc hơn ở tất cả các cụm thi có lẽ số thí sinh này còn lớn hơn.

Thầy Hoàng Đức Đông, giáo viên Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) nói bản thân thầy thấy choáng khi nghe đến con số này. “Gần 40.000 thí sinh tương đương với lượng người xếp đầy chỗ trống ở sân vận động Mỹ Đình. So sánh với gần 1 triệu thí sinh ở môn Toán có thể nhỏ nhưng đây là môn cơ bản, học sinh kém như vậy thì lo quá” – thầy Đông nêu ý kiến.

Tương tự, ở môn thi Vật lí, theo thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên Trường THPT Anh-xtanh: “Chỉ có thể kết luận là các em quá kém, không biết gì nhưng vẫn đi thi để tăng cơ hội hoặc cầu may mắn. Một số câu hỏi trong đề bài mang tính gỡ điểm, rõ như ban ngày nhưng điểm liệt ở môn này vẫn rất nhiều”

Ở môn Ngữ văn, theo cô Lan Anh, giáo viên Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết cô thật sự bất ngờ khi đề thi năm nay có những câu hỏi gần như “tặng điểm” mà thí sinh vẫn bị điểm liệt

Kém vì đâu?

Theo lý giải của thầy Lâm: “Bên cạnh việc nhiều em học trung bình khá nhưng vẫn quyết đi thi ở cụm do các trường đại học tổ chức (thường việc coi thi nghiêm ngặt hơn) nên dẫn tới không làm được bài thì lí do quan trọng là các em đã mất gốc ngay từ tiểu học”.

Đồng ý với ý kiến này, thầy Đông bổ sung thêm: “Trường tiểu học đã vậy, lên THCS học sinh lại thiếu sự quan tâm gần gũi của nhà trường và phụ huynh nên kiến thức càng hổng. Nếu nhà trường, các lãnh đạo ngành giáo dục làm thật chặt khâu quản lí chất lượng giáo dục thì chắc chắn con số hàng chục ngàn bài thi điểm liệt sẽ không xảy ra”.

Có nên duy trì thi để xét tốt nghiệp?

Điểm thấp nhưng nhờ điểm tổng kết cuối năm lớp 12 vẫn cao từ 7,0 đến 8,0 hoặc hơn nên không ít em chỉ cần 2 điểm/môn với cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT thì nhiều em đã đủ điều kiện. Thầy Đông, thầy Lâm, thầy Đạt và không ít ý kiến cho rằng như vậy không cần thiết duy trì kỳ thi THPT quốc gia trong đó có mục đích để xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh.

“Nên làm chặt ở khâu quản lí, bàn giao chất lượng ở cơ sở. Cuối lớp 12 nếu thí sinh đủ điều kiện thì cấp giấy chứng nhận cho các em hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó thí sinh có thể chọn thi học lên tiếp hoặc rẽ hướng theo học nghề ngay” – thầy Lâm nêu quan điểm.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Không thi học sinh sẽ càng không học. Nhưng việc thi để xét tốt nghiệp THPT nên bàn giao cho các sở GD-ĐT tự làm, tự ra đề sẽ nhẹ nhàng và giảm áp lực hơn cách làm hiện nay”.

Trong khi đó, thầy Trần Phương đặt vấn đề: “Đề thi như vậy mà thí sinh vẫn làm kém thì vẫn cần thiết duy trì kỳ thi để thí sinh có quyết tâm học tập”.

  • (Theo Văn Chung/Vnexpress)