Thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-UBND ngày 7/3/2019 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch tổ chức tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở mầm non, tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội năm 2019, UBND huyện Sóc Sơn đã có thông báo đến 256 giáo viên (GV) tiểu học và THCS trên địa bàn.

Theo quy định, những GV tiểu học, THCS lần này thi không trúng tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy vào tháng 5/2020. Bởi theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cùng với quy định tinh giản biên chế, sẽ không còn lao động hợp đồng.

Các GV đều bày tỏ mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển vì đã cống hiến cho ngành Giáo dục Sóc Sơn từ năm 1995 đến nay. Song, việc muốn xét đặc cách cho các GV hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện, mà phải từ thành phố.

“Ngay sau đó, huyện đã có văn bản bày tỏ kiến nghị của thầy cô gửi Ủy ban nhân dân thành phố (UBND TP) Hà Nội. UBND TP đã làm việc với Sở GD&ĐT huyện Sóc Sơn nhưng quan điểm của UBND TP và Sở thì chưa thể có đặc cách trong trường hợp này. Chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Huyện đã nắm bắt thông tin đó, quán triệt và đối thoại cụ thể với gần 300 thầy cô đang công tác tại huyện”.

Tổng chỉ tiêu tuyển dụng GV toàn huyện Sóc Sơn được xác định là 685, trong đó cấp Mầm non là 206 chỉ tiêu, cấp Tiểu học là 282 chỉ tiêu và cấp THCS là 197 chỉ tiêu.

Gần 300 GV Sóc Sơn “kêu cứu” vì có nguy cơ mất việc, lãnh đạo huyện nói gì? - 1
Thông báo về việc đăng ký nhu cầu xét tuyển đối với giáo viên có hợp đồng 5 năm trở lên của UBND huyện Sóc Sơn.

Lý giải về việc có tới gần 300 GV hợp đồng, trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Toàn, Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.

Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng cho các quận, huyện căn cứ vào nhu cầu, công việc. Khi Luật Viên chức ra đời, không thể một phát "áp" toàn bộ số GV vào tuyển dụng. Đây là năm thứ 4 thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.

Trong khi đó, số lớp, số học sinh thì liên tục tăng; còn công tác thi tuyển thì thành phố không triển khai. Vì vậy, huyện không thể để thiếu GV dạy học sinh nên phải tiếp tục ký hợp đồng lao động nên mới có số GV giảng dạy lâu năm nhưng chưa thi tuyển viên chức. Ví dụ ở cấp Tiểu học, theo quy định cần có 1,2 GV/lớp nhưng trong số này còn có những người sinh con, ốm đau hay có những vấn đề về sức khỏe khác. Nên nếu không đáp ứng thì lấy đâu ra người dạy.

Bà Toàn cho biết thêm, sau kỳ thi tuyển viên chức sắp tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ có cuộc rà soát tổng thể số GV. Phòng Nội vụ sẽ có báo cáo, đề xuất các giải pháp với UBND huyện Sóc Sơn, UBND thành phố Hà Nội.

Thầy Nguyễn Văn Nam (GV trường THCS Xuân Giang, Sóc Sơn) tâm sự: “Tôi cùng chung ý kiến, mong muốn với gần 300 thầy cô giáo khác trong huyện. Tôi mong muốn các cấp lãnh đạo xét đặc cách, nhất là đối với các giảng viên cao tuổi, đã có thâm niên công tác và cống hiến rất nhiều năm.

Cá nhân tôi cho rằng, đóng góp cả một quá trình của họ xứng đáng với một kỳ thi viên chức, xứng đáng được đặc cách. Bởi vì, bài thi viên chức là bước đầu đánh giá một cử nhân nào đó có trình độ, năng lực, phẩm chất của một GV. Ai cũng có giai đoạn bắt đầu, trước đây chúng tôi cũng vậy. Trải qua giai đoạn đó, nhiều GV huyện Sóc Sơn đã cống hiến trong ngành đến cả 23-24 năm”.

Gần 300 GV Sóc Sơn “kêu cứu” vì có nguy cơ mất việc, lãnh đạo huyện nói gì? - 2
Hợp đồng của một giáo viên có thâm niên công tác 23 năm (kỳ hợp đồng từ năm 1996).

Là một GV được nhà trường đánh giá cao, học sinh yêu mến kính trọng, thầy Nam tâm sự, anh tự tin bản thân đủ khả năng, cống hiến và theo đuổi sứ mệnh “trồng người”.

“Trường hợp thi trượt viên chức sắp tới, nếu bị cắt hợp đồng, tôi cũng sẽ bằng cách nào đó theo đuổi nghề. Tuy nhiên, tôi mong các cấp ban ngành có hướng giải pháp hợp tình, hợp lý. Việc thi viên chức tình đến thời điểm hiện tại là nhân văn với tất cả mọi người, nhưng nếu xét ngược về thời điểm hàng chục năm về trước thì có lẽ là việc phủ nhận sạch trơn cống hiến của những nhà giáo lão thành. Những năm 90, Giáo dục của huyện nhà nói riêng và cả nước nói chung vô cùng khó khăn, mẹ tôi trước kia cũng là một GV nên tôi rất thấu hiểu”, thầy Nguyễn Nam chia sẻ.

(Theo Lệ Thu/Dân trí)