Lớp học đặc biệt đầu tiên của những người làm báo

Ngược về lịch sử, cách đây 70 năm, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều gian khổ, hiểm nguy, nhưng giữa núi rừng an toàn khu (ATK), Bác Hồ đã cho mở lớp học đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên, lấy tên là Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường được đặt tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ và giao cho đồng chí Xuân Thủy lãnh đạo chung; lớp học gồm 42 người, trong đó có 3 nữ; khai giảng ngày 4/4/1949 - bế giảng ngày 6/7/1949. Đây là nơi đào tạo cán bộ duy nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Học viên của lớp phần lớn là đang làm việc ở cơ quan báo chí - thông tin, do các cơ quan ở các địa phương cử đi. Mặc dù còn khá trẻ, chỉ từ 19 đến 25 tuổi nhưng hầu hết các học viên của lớp đã từng làm báo, viết báo.

Trong 3 tháng, lớp học được đón 29 giảng viên đến giảng dạy, chỉ dẫn ở lớp theo từng chuyên đề, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và nhân sĩ nổi tiếng như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm,…

Ngay trong buổi khai giảng, ông Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh đã đọc diễn văn và nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả”.

Hồi đó, lãnh đạo trường có 5 người do ông Đỗ Đức Dục làm Hiệu trưởng; ông Xuân Thủy làm Phó Hiệu trưởng; 3 Ủy viên là nhà văn, nhà báo Nguyễn Đình Thạc (Như Phong), nhà thơ Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), ông Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn). Ông Nguyễn Văn Hải, phụ trách thực hành, công việc tổ chức và quản lý lớp.

Khóa học trong thời gian ngắn nhưng có ý nghĩa và trọng trách vô cùng to lớn, là điển hình của học đi đôi với hành, vừa học lý thuyết vừa thực hành, để từ đó, các học viên là hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam, luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay.

Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học làm báo tại trường, dù rất bận nhưng trong 3 tháng khóa học diễn ra, Bác đã hai lần gửi thư động viên, nhắc nhở, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên.

Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng”.

Địa chỉ đỏ của Hội Nhà báo Việt Nam

Cũng tại nơi đây, vùng ATK Định Hóa còn có một địa chỉ mà những người làm báo đã trở nên thân thuộc và luôn hướng về nơi ấy như một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống nền báo chí cách mạng Việt Nam là bản Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên. Mảnh đất này có một ý nghĩa đặc biệt, là nơi ra đời Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Lần theo lịch sử, ngày 21/4/1950, theo chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam đã được thành lập. Ban đầu, Hội có tên là “Hội Những người viết báo Việt Nam”. Đại hội thành lập "Hội Những người viết báo Việt Nam" đã diễn ra tại nhà ông Triệu Đình Âu, xóm Roòng Khoa.

Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951, Báo Sự Thật ngừng xuất bản, Bác đã chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Cũng từ mảnh đất chiến khu ATK này, ngày 11/3/1951, Báo Nhân Dân đã ra số đầu tiên.

Tấm bia đặt tại xóm Roòng Khoa, Điềm Mặc là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, đạo đức cách mạng của những người làm báo. Ảnh: BA

 

Niềm tự hào và trách nhiệm của những người làm báo

Với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như một dấu son đậm nét về lý luận và thực tiễn báo chí cách mạng. Ngôi trường dạy làm báo mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là niềm tự hào của các thế hệ làm báo Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019) và khánh thành Bia Di tích lịch sử Quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu nhấn mạnh: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là hạt nhân của báo chí cách mạng. Họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà trong suốt 70 năm qua...”.

Các thế hệ làm báo ngày nay được đào tạo bài bản hơn, học tập và làm việc trong điều kiện tốt hơn, luôn ghi nhớ và học tập các thế hệ đi trước trong làng báo Việt Nam. Họ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực tuyên truyền, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

70 năm qua, các thế hệ những người chiến sĩ trên mặt trận báo chí, tư tưởng, tuyên truyền vẫn góp công sức trong cuộc đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại thâm độc của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp sức mình vào công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (được tổ chức ngày 4/4/2019), địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng vinh dự được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia và tấm bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặt tại xóm Roòng Khoa, Điềm Mặc như một dấu tích không thể mờ phai về một giai đoạn lịch sử vẻ vang của ATK nói chung và nền báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng.

Đây cũng là địa chỉ đỏ để các thế hệ làm báo Việt Nam họp mặt, tưởng nhớ tới những người làm báo thế hệ trước, qua đó giáo dục truyền thống, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là lớp trẻ; xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân. Tiếp tục học tập làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh mà cụ thể là học tập và làm theo những nội dung trong 2 bức thư Bác Hồ đã gửi cho lớp học đầu tiên của Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949.

Hành trình trở về những địa điểm, vùng đất gắn liền với nền báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi cảm thấy càng thêm tự hào, ý thức trách nhiệm với ngòi bút của mình, mãi khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà; mà anh em văn hóa trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc".

Bảo Anh