Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều muộn ngày 2/4, báo chí đặt loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, dấu hiệu gian lận thi cử trong cuộc thi khoa học kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc có công khai danh tính phụ huynh và học sinh trong những vụ gian lận thi cử không?.

Phải bảo đảm tính nhân văn với học sinh

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, kỳ thi khoa học kỹ thuật là kỳ thi khuyến khích học sinh tham gia. Kỳ thi được thực hiện theo Thông tư 38 và Thông tư 32.

“Với phản ánh một số đề án vi phạm quy chế, hội đồng thẩm định, các nhà khoa học trực tiếp xem lại. Tới giờ phút này, các đề tài tên có thể giống nhau nhưng phương thức, cách làm khác nhau, các đề tài bảo đảm đúng quy chế. Việc đánh giá kết quả thi được thực hiện chấm chéo cho nhau. 100% giám khảo được chọn từ các trường đại học. Qua đánh giá trực tiếp đảm bảo nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế”, ông Độ cho biết.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử, ông Độ khẳng định, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thì xử lý những thí sinh có vi phạm, không tiếp tục cho theo học để đảm bảo công bằng với các thí sinh khác.

Cho biết thêm, theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, Bộ Công an đã tổ chức điều tra nghiêm túc, kết quả đã được thông báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bên liên quan.

“Việc có công bố danh tính các học sinh hay không là vấn đề quan trọng, Bộ đã trao đổi kỹ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương nên xử lý như thế nào để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính nhân văn đối với học sinh”, ông Nam nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, việc xử lý các sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Thủ tướng đánh giá cao cơ quan công an đã điều tra, khởi tố các đối tượng vi phạm. Và sẽ có danh sách thí sinh gửi về cho các cơ sở giáo dục và cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, việc công bố danh tính, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phải “giúp các cháu tự tin tiếp tục con đường học hành chứ không gây ảnh hưởng tiêu cực”.

Bạo lực học đường: Xử nghiêm, làm rõ trách nhiệm

Liên quan tới vấn đề bạo lực học đường, theo Thứ trưởng Độ, Chính phủ đã có Nghị định 80 về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và chống bạo lực học đường. Bộ cũng đã có Thông tư 33 về hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

“Về việc phân cấp, chính sách đã nêu rõ, phân trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương, để xảy ra thì địa phương phải xử lý nghiêm khắc, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, các sở trực tiếp”, Thứ trưởng cho biết, quan điểm của Bộ là “những việc xảy ra cần xử lý nghiêm khắc”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng đã chỉ đạo phải xác minh, điều tra, xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo nhà trường, giáo viên và giáo viên chủ nhiệm.

“Đây là những hành vi không thể chấp nhận được. Chúng ta phải quan tâm đến công tác giáo dục ở gia đình, nhà trường, xã hội, đặc biệt là phải tạo ra môi trường giáo dục tốt hơn”, người phát ngôn của Chính phủ nói và bày tỏ, trân trọng các cơ quan báo chí đã thông tin các vấn đề giáo dục, bạo lực học đường một cách chính xác, khách quan, tránh hiểu nhầm, làm phức tạp tình hình.

Hương Giang