Đó là thông tin được đưa ra tại họp báo công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 22/11, tại Hà Nội.

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận 49 bản thảo ở 9 môn học được đề nghị thẩm định. Sau 2 vòng thẩm định của đợt đầu tiên, có 38 bản thảo SGK được hội đồng thẩm định SGK quốc gia đánh giá đạt và bàn giao cho Bộ GD&ĐT.

9 môn học ở lớp 1 với 49 bản thảo, gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức mỗi môn 6 bản thảo. Tự nhiên - Xã hội 5 bản thảo. Giáo dục thể chất 4 bản thảo. Nghệ thuật (âm nhạc) 5 bản thảo. Nghệ thuật (mỹ thuật) 5 bản thảo. Hoạt động trải nghiệm 6 bản thảo. Tiếng Anh 6 bản thảo.

Các hội đồng đã qua 2 vòng và kết quả sơ bộ có 38/49 bản thảo ở tất cả 9 môn học được các hội đồng thẩm định đánh giá là "đạt" và đề nghị Bộ trưởng xem xét phê duyệt.

Có 11/49 bản thảo ở 6 môn học bị đánh giá "không đạt".

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố SGK lớp 1, các địa phương sẽ tiến hành chọn SGK. Việc lựa chọn sẽ được tiến hành như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ GD&ĐT cho biết, việc lựa chọn SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 (SGK giáo dục phổ thông) Luật Giáo dục 2019: "UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT".

Thực hiện quy định tại Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, đang xây dựng thông tư để hướng dẫn.

Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả SGK của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ SGK cho địa phương.

Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại họp báo. Ảnh: HH

Trong thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể thành phần của hội đồng lựa chọn SGK để căn cứ vào đó, UBND tỉnh, thành phố thực hiện.

Thành phần sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó ở cấp học.

Dự thảo thông tư về lựa chọn SGK của Bộ GD&ĐT sẽ không cứng nhắc mà linh hoạt để việc lựa chọn SGK đảm bảo tính phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, địa phương.

Hiện nay, dự thảo thông tư lựa chọn sách giáo khoa đang được Bộ GD&ĐT xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi theo quy định biên soạn, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình Bộ trưởng phê duyệt ban hành, kịp thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, sẽ triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các NXB thực hiện tốt các khâu lựa chọn SGK lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng SGK theo Chương trình GDPT 2018, thực hiện việc in và phát SGK đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020-2021 và các năm học tiếp theo.

Danh sách SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt

Theo danh sách Bộ GD&ĐT công bố, môn Tiếng Việt có tổng số có 5 cuốn SGK (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

SGK Toán có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm).

SGK Đạo đức có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Tự nhiên và Xã hội 1 có 3 cuốn (2 cuốn NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm).

Âm nhạc 1 có 5 cuốn (4 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Mỹ thuật có 5 cuốn (4 cuốn NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn NXB Đại học Sư phạm).

Hoạt động trải nghiệm 1 có 3 cuốn (2 cuốn của NXB Giáo dục Việt Nam, 1 cuốn của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh).

Hải Hà