Hội thảo là 1 nội dung quan trọng trong kế hoạch của Chương trình Khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2013 - 2018: "KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc", do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; đồng thời, thống nhất phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia theo đúng phương châm "thiết thực, khả thi, hiệu quả".

Theo đánh giá của các chuyên gia, Bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành là một cấu phần quan trọng nhằm cung cấp thông tin đa lớp, tin cậy phục vụ cho triển khai nghiên cứu khoa học và việc xây dựng, điều chỉnh chủ trương, chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc một cách bền vững. Song song với đó, việc đánh giá các chương trình mục tiêu, chính sách hiện hành tại vùng Tây Bắc sẽ củng cố luận chứng khoa học và thực tiễn, để các đơn vị quản lý điều chỉnh, đổi mới các chính sách, chiến lược phát triển vùng phù hợp.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc khẳng định: Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã có nhiều cơ chế, chính sách, chương trình đầu tư trọng điểm của Chính phủ được ưu tiên triển khai khá đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng tại vùng Tây Bắc. Cơ cấu kinh tế - xã hội của vùng đã có những chuyển biến tích cực; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình toàn vùng từ năm 2005 đến nay ước đạt bình quân 11,5%/năm.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TTH

Tuy nhiên, hiện tại Tây Bắc vẫn là vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 29,5% - cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông còn lạc hậu; tệ nạn xã hội và hủ tục vẫn còn khá trầm trọng. Những nguy cơ về thiên tai, môi trường do tác động của quá trình biến đổi khí hậu và sự khai thác, sử dụng bất hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng rõ nét, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của vùng.

Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình tạng trên được Phó Thủ tướng chỉ ra là do nguồn lực phát triển của vùng Tây Bắc, trong đó có nguồn lực KH&CN chưa thực sự được khơi dậy và phát huy đúng mức, có hiệu quả.

Để khắc phục thực trạng trên, Chính phủ đã giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì Chương trình KH&CN vùng Tây Bắc phục vụ cho phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình theo đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả; hết sức tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, lãng phí, xa rời thực tiễn… Bên cạnh đó, các nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn của vùng Tây Bắc. Lãnh đạo các tỉnh trong vùng phải thường xuyên chỉ đạo, phói hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội để tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Chương trình. "Các đồng chí vừa là người "đặt hàng", đề xuất, đưa ra các nhiệm vụ mà Chương trình cần nghiên cứu, giải quyết vừa là người thụ hưởng, vì vậy 2 bên cần phối hợp cùng tham gia thực hiện, giám sát và chuyển giao sản phẩm. Thông qua đó, năng lực KH&CN của các địa phương từng bước được nâng cao" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kỳ làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2013 - 2015) tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Đồng thời, Chương trình sẽ triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế xã hội cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp KH&CN sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2 (2016 - 2018) sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả KH&CN, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và sản xuất và xây dựng mô hình phát triển; đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030.


TTH