Sáng nay (ngày 4/6), tại trụ Sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch đã chính thức nhận trách nhiệm và xin lỗi về việc “văn bản chưa phù hợp” khi “xin” 400 vé máy bay đi công tác của Tổng cục vừa gửi các hãng hàng không vừa qua.

Cụ thể, văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký và gửi tới các hãng hàng không với mục đích “xin” 400 vé máy bay cho đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 đến tháng 12/2020 khiến dư luận bức xúc.

Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập tức triệu tập các bên liên quan bao gồm Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways (vắng mặt) nhằm giải trình sự việc.

Tổng cục Du lịch mong được “cảm thông, chia sẻ”

Trước đại diện hai hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Bản chất của công văn 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 chỉ là cơ sở để triển khai cụ thể những nội dung đã được thống nhất giữa Tổng cục Du lịch với Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways.”

“Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2020, hàng loạt sự kiện do Tổng cục Du lịch chủ trì sẽ được phối hợp với các hãng hàng không tổ chức ở nhiều địa phương. Xuất phát từ áp lực muốn đẩy nhanh phát triển thị trường du lịch nội địa mà chúng tôi đã ban hành văn bản này. Về nội dung và hình thức, Tổng cục Du lịch cũng thấy rằng chưa phù hợp, vì vậy chúng tôi sẽ thu hồi văn bản và rất mong muốn ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cảm thông và chia sẻ,” ông Phúc nói.

Vu van ban ‘xin’ 400 ve may bay: Tong cuc Du lich nhan sai hinh anh 1
 Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch tại buổi gặp mặt sáng nay. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Cũng theo ông Phúc, trong nhiều năm qua, Tổng cục Du lịch đã có những hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không nội địa, từ Vietnam Airlines, Vietjet và sau này là Bamboo Airways, để cùng triển khai những chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam trong nước cũng như nước ngoài.

Tùy theo mục tiêu của từng giai đoạn mà các bên trao đổi, thống nhất các nội dung hợp tác, trên cơ sở đó ký kết biên bản hợp tác. Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ chủ trì các hoạt động xúc tiến và các hãng hàng không cùng tham gia và hỗ trợ. Ví dụ như hỗ trợ chi phí vận chuyển, cung cấp vé máy báy, ấn phẩm, vật phẩm, quà tặng…

“Năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới nên sự hợp tác của Tổng cục Du lịch với các hãng hàng không tập trung vào đẩy mạnh xúc tiến và kích cầu du lịch nội địa, hưởng ứng chương trình ‘Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam’ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành,” ông Phúc nói.

Yêu cầu kiểm điểm

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết chiều 3/6, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Văn phòng Bộ đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch yêu cầu báo cáo lại về nội dung văn bản 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020.

“Sáng nay, Thứ Trưởng Lê Quang Tùng đã thay mặt Bộ Trưởng ký văn bản gửi Tổng cục Du lịch, trong đó có 2 nội dung. Một là, yêu cầu Tổng cục Du lịch thu hồi văn bản 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 về việc triển khai chương trình kích cầu du lịch Việt. Hai, giao Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và báo cáo Bộ Trưởng trước ngày 6/6/2020,” ông Bình cho hay.

Theo ông Bình đánh giá, việc đại diện Tổng cục Du lịch đã có mặt để xin lỗi ba hãng hàng không về văn bản 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 chưa thực sự phù hợp, là kịp thời.

Vu van ban ‘xin’ 400 ve may bay: Tong cuc Du lich nhan sai hinh anh 2
 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nói thêm về văn bản khiến dư luận bức xúc trên, ông Bình cho biết: “Thực ra đây là một chương trình nằm trong hợp tác thường niên giữa Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không. Việc kích cầu du lịch trong nước hay quốc tế là để xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam, đồng nghĩa với đó các hãng hàng không sẽ có nguồn khách, nguồn doanh thu. Vì vậy, việc hợp tác giữa Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không trong nhiều năm qua đã góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của các hãng hàng không rất lớn.”

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, những cán bộ tham gia các đoàn công tác đi xúc tiến quảng bá đều có chế độ của nhà nước, ngân sách được đảm bảo. Trong đoàn công tác của Tổng cục có rất nhiều thành phần, trong đó có các Hiệp hội, các doanh nghiệp lữ hành và hoạt động này nhằm để các bên cùng với Tổng cục xúc tiến, quảng bá làm sao thúc đẩy phát triển du lịch. Đây là nhiệm vụ chung mà Tổng cục Du lịch chỉ là đơn vị được phân công thay mặt đứng ra lo chung cho đoàn công tác.

“Đương nhiên, ngoài biên bản đã ký với các hãng hàng không, Tổng cục Du lịch có thêm văn bản 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020, phía Bộ thấy rằng văn bản đưa ra không phù hợp và cũng không có giá trị, không cần thiết khi đã có biên bản hợp tác chiến lược với các hãng hàng không. Vì vậy, chỉ đạo của Bộ trưởng là yêu cầu thu hồi văn bản 167 và chắc chắn trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ hoàn thành việc đó,” ông Bình nhấn mạnh.

Các hãng hàng không nói gì?

Có mặt trong cuộc gặp 3 bên giữa Tổng cục Du lịch với các hãng hàng không và đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng nay, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines nêu quan điểm: “Nếu nói về hợp tác, thì du lịch là một chuỗi mà trong đó việc hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Tổng cục Du lịch với các Hiệp hội, các cơ sở lưu trú và các hãng vận tải là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi là một mắt xích, một nhân lực trong chuỗi này và tác động tới các nhân lực khác trong chuỗi du lịch và không đơn vị nào tách riêng mà có thể phát triển được.”

Thực tế là bao năm qua, các đơn vị vận tải đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch có rất nhiều chương trình hợp tác thường niên và hỗ trợ chương trình xúc tiến du lịch chung. Và, vai trò “nhạc trưởng” dẫn dắt của Tổng cục Du lịch để tạo nên sức mạnh chung của ngành du lịch là điều mà đại diện các hãng hàng không không thể phủ nhận.

Vu van ban ‘xin’ 400 ve may bay: Tong cuc Du lich nhan sai hinh anh 3
 Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Tuấn cho biết bất ngờ khi sự việc công văn 167 bị đẩy lên quá cao. “Tôi cho rằng, đánh giá một chiều như vậy cũng chưa đầy đủ và toàn diện. Chỉ có phối hợp với nhau thì hiệu quả mới tốt. Chương trình hợp tác với Tổng cục Du lịch chúng tôi đã bàn cụ thể vào tháng Hai vừa qua, sau khi phát hiện ca bệnh số 17 phải dừng lại và vừa rồi đã khởi động lại rất nhanh. Lẽ ra chúng tôi phải chủ động làm nhưng do Tổng cục muốn có thông tin sớm cho chương trình kích cầu du lịch nội địa nên đã ra văn bản 167.”

Tuy đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng ông Anh Tuấn khẳng định sẽ không đứng ngoài cuộc những chương trình xúc tiến, quảng bá và kích cầu của ngành du lịch.

“Tài trợ một chiếc vé cho cán bộ ngành du lịch đi quảng bá, xúc tiến du lịch để kéo về hàng trăm khách cho hàng không thì sao chúng tôi lại không chung tay? Chúng ta cùng nhau chia sẻ khó khăn nhưng cũng nên nhìn toàn diện để đóng góp chung cho sự phát triển của ngành,” ông Anh Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Văn phòng miền Bắc Vietjet Air chia sẻ: “Thực ra nghe con số 400 vé có vẻ rất nhiều nhưng chỉ tính riêng trong tháng Năm, Vietjet Air đã cung ứng ra thị trường 200.000 vé 0 đồng cho các công ty du lịch. Trên mỗi chuyến bay chúng tôi dành tối đa 25 vé 0 đồng cho các công ty du lịch làm tour kích cầu.”

Vì thế đại diện này cho rằng sẵn sàng chi số lượng 400 vé để cán bộ Tổng cục Du lịch đi làm nhiệm vụ kích cầu, thậm chí có thể tài trợ con số lớn hơn rất nhiều mà Tổng cục Du lịch đề xuất trong văn bản 167./.

Văn bản số 167/TCDL-TTDL ngày 2/6/2020 do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu ký và gửi tới các hãng hàng không có nội dung “kêu gọi sự vào cuộc của các hãng hàng không đóng vai trò tiên phong kích cầu du lịch nội địa” và “trên tinh thần chung tay, đồng hành, hợp tác phát triển giữa du lịch và hàng không” nhằm “triển khai kế hoạch phát động chương trình kích cầu nội địa "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam.”

Qua đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam “trân trọng đề nghị các hãng hàng không cung cấp vé miễn phí các chặng bay nội địa cho đoàn công tác của Tổng cục Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa tại các địa phương từ tháng 6 đến tháng 12/2020."

Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được đề nghị cung cấp 200 vé; Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) được đề nghị cung cấp 100 vé và Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được đề nghị cung cấp 100 vé.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng thông tin “chi tiết về hành trình cũng như nhân sự đoàn công tác sẽ được cung cấp 1 tuần trước thời gian đoàn khởi hành."

 
Theo Xuân Mai/Vietnam+