Liên kết phát triển du lịch vô cùng quan trọng và cần thiết

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp (DN) du lịch đã thảo luận về những giải pháp, định hướng mới trong phát triển du lịch, công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch.

Các đại biểu cho rằng, vùng Đông Bắc được đánh giá là khu vực sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước, cả về tự nhiên lẫn các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Tuy nhiên, sức tăng trưởng du lịch vùng Đông Bắc mới chủ yếu tập trung ở những địa phương có lợi thế lớn về thu hút đầu tư du lịch như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… Các tỉnh còn lại chủ yếu khai thác lợi thế tự nhiên, chưa có chiến lược đầu tư, phát triển du lịch quy mô, bài bản, nên hiệu quả về thu hút khách và doanh thu chưa cao.

Năm 2019, trong khi Quảng Ninh đón 14 triệu lượt khách thì Tuyên Quang mới đón được 1,94 triệu lượt khách, Bắc Giang đón 2 triệu lượt khách, Bắc Kạn đón trên 530.000 lượt khách.

Đặc biệt, mặc dù TP Hồ Chí Minh được xem là thị trường khách nội địa lớn nhất cả nước, song việc thu hút du khách đến từ thị trường này vẫn bị xem là điểm yếu của vùng Đông Bắc trong nhiều năm qua, do bất lợi về giao thông và thiếu sự liên kết giữa các địa phương để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp đủ hấp dẫn đối với du khách đến từ miền Nam.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, từ những ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc liên kết phát triển du lịch vô cùng quan trọng và cần thiết. Vì vậy nhằm hình thành một chuỗi các hoạt động liên kết du lịch, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa ngành du lịch vượt qua những khó khăn thách thức; đây cũng là cơ hội vàng cho du lịch của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Bắc, phát huy thế mạnh phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, bản địa...

Hội nghị là cơ hội để các địa phương tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng, thế mạnh, chia sẻ cơ hội, cách làm hay trong công tác quản lý, phát triển du lịch một cách bền vững.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV 

Với chủ đề “Kết nối tinh hoa”, tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã thảo luận về hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020-2025 và thông qua Kế hoạch phối hợp triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc giai đoạn 2020-2021.

Trong đó, tập trung vào việc liên kết, chia sẻ thông tin để xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch nhất là khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch. Qua đó, tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần triển khai chương trình du lịch an toàn; nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Để làm được việc này, đòi hỏi sự liên kết không chỉ của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch mà ngay cả các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phải gìn giữ cho được những tài nguyên du lịch vô giá

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn giữ được địa bàn an toàn, giữ được mục tiêu kép; tỉnh có một hạ tầng giao thông hiện đại, thuận lợi, tạo điều kiện cho các du khách đến với Quảng Ninh ngày càng tăng, sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa các tỉnh Đông Bắc với TP Hồ Chí Minh vì sự phát triển của ngành Du lịch cũng là cơ hội để Quảng Ninh đánh giá lại quy hoạch, cơ cấu, chiến lược phát triển du lịch trong đó có chú trọng đến xây dựng mối liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành và vùng miền trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Hội nghị là sáng kiến, cách làm rất hay của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc (Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc) trong liên kết phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong phát triển du lịch nói riêng, nhất thiết phải gìn giữ cho được những tài nguyên du lịch vô giá. Từng địa phương phải có bước đi rất bài bản, “nếu chưa làm được, chưa chắc chắn thì tạm lui lại”, vì đều phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các tiềm năng thì không chỉ cần tiền bạc, mà cần cả sự hiểu biết, kinh nghiệm của các tập đoàn lớn, các đối tác, tổ chức quốc tế. Mặt khác, ngành Du lịch cần cố gắng, nỗ lực khắc phục những bất cập trước đây đã làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, di sản.

Khẳng định du lịch thông minh là hướng phát triển rất quan trọng, Phó Thủ tướng cho rằng ngành du lịch, các địa phương phải tận dụng tối đa công nghệ để số hoá mọi tài nguyên, sản phẩm du lịch, từ các điểm đến, danh thắng, di tích, nhà hàng đến những hiện vật có giá trị văn hoá, lịch sử… Làm sao để người dân chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm hiểu, lên kế hoạch đặt mua vé máy bay, tàu, xe, phòng khách sạn, đi đến các khu du lịch, danh thắng, bảo tàng, di tích lịch sử…

“Đây là công việc rất lớn, chúng ta phải cùng nhau làm và thật nhanh mới tận dụng dụng được thời cơ khi khách du lịch quốc tế quay trở lại”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh để du lịch hồi phục vững chắc thì nhất định phải an toàn. Tất cả các cơ sở cung cấp các dịch vụ du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cập nhật đầy đủ định kỳ theo thời gian thực lên bản đồ chống dịch (www.antoancovid.vn). 

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Bắc với các hãng hàng không; ký kết thỏa thuận hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc.

Các công ty lữ hành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc đã có những chuyến thăm, khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh để nghiên cứu, thiết kế các tour du lịch trong thời gian tới.

Thái Hải