Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Quảng Nam và các tỉnh miền Trung sau gần 1 năm hoạt động du lịch phải ngừng trệ vì dịch bệnh, thiên tai.

Báo cáo đánh giá tình hình du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, du lịch Việt Nam phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2015-2019, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm.

Khách nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt với tốc độ 10,5%/năm. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam được xếp hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019 (tăng 12 bậc so với năm 2015).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, du lịch là ngành dễ tác động thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến trực tiếp đến ngành Du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung và kéo theo sự sụt giảm của các ngành lĩnh vực liên quan và đời sống xã hội. Năm 2020, dự báo lượt du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 45% và thiệt hại về nền kinh tế du lịch lên tới khoảng 23 tỷ USD.

Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc du lịch 2020 được tổ chức nhằm đánh giá tình hình, phương hướng giải pháp, phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới, ngành Du lịch thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc du lịch 2020. Ảnh: NP

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận và đề xuất giải pháp chiến lược nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch trong và sau Covid-19; tái định hình chính sách hỗ trợ và cơ cấu lại ngành Du lịch; gợi ý xu hướng chuyển đổi số để phát triển thời “bình thường mới”; đề xuất mô hình và kinh nghiệm hợp tác, liên kết giữa các nhà đầu tư về quảng bá, xúc tiến.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch…

Lãnh đạo các địa phương giới thiệu các giải pháp liên kết để tối ưu hoá nguồn lực; liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm tạo động lực mới cho phát triển du lịch trong và sau đại dịch; ứng dụng công nghệ số trong tham quan các điểm du lịch văn hoá… 

Đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương liên quan nêu những giải pháp hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: NP
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2019, nước ta giành được nhiều giải thưởng uy tín về du lịch. Điều này cho thấy chất lượng, môi trường du lịch đã được cải thiện rõ rệt. Du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt. Người dân đã được tạo điều kiện, tham gia vào làm du lịch cộng đồng.

"Một trong những lý do mà nhiều người nước ngoài thích đến Việt Nam là vì sự thân thiện của con người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ngành Du lịch cũng còn đối mặt với một số thách thức như chất lượng chưa sâu, liên kết giữa các địa phương còn yếu" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần tập trung khách du lịch nội địa và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp.

Đề cập đến việc chuyển đổi số để phát triển du lịch, Phó Thủ tướng nhận định, du lịch là một ngành có cơ hội chuyển đổi số rất nhanh.

"Chúng ta phải cùng nhau làm, Nhà nước đứng ra và doanh nghiệp cùng tham gia. Dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tạo ra nền tảng số" - Phó Thủ tướng đề nghị.

Cũng tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.

Nguyên Phê