Việc này, giúp xây dựng lại niềm tin xê dịch của du khách, phục hồi nền kinh tế xanh sau những tổn thất khủng khiếp do đại dịch gây ra. Và khi đó, tâm lý du khách mới bắt đầu an tâm để có nhu cầu đi du lịch cũng như đi lại giữa địa phương này với địa phương khác. Có vậy, thị trường du lịch bật dậy sẽ cứu cánh cho nền kinh tế cũng như các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch…

Chinh phục khách hàng bằng chất lượng

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã khiến nhu cầu và tâm lý du khách thay đổi rất nhiều. Lượng du khách tới các điểm đến được dự báo sẽ không còn đông như trước nữa, chi tiêu của họ cũng sẽ căn cơ chứ không vô tư nữa do ảnh hưởng về kinh tế. Thực tế này buộc những người kinh doanh dịch vụ du lịch phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, gia tăng hàm lượng về văn hóa cũng như đầu tư sức sáng tạo nhiều hơn, tinh tế hơn, sao cho đúng, trúng nhu cầu.

Với yêu cầu đó, họ phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đồng thời chuẩn bị những sản phẩm, dịch vụ có chiều sâu, được thiết kế công phu, mang lại giá trị gia tăng lớn. Muốn làm được điều đó, cần sáng tạo dựa trên những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Đơn cử, để cho khách thưởng thức một món ăn, ngoài việc chế biến công phu, vừa ngon vừa bắt mắt còn phải có không gian ẩm thực thoải mái, đặc biệt cần câu chuyện, nguồn gốc của món ăn.

Bên cạnh đó là những dịch vụ đi kèm như tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm một trong những công đoạn làm ra món ăn đó. Có như vậy, mới tạo được những giá trị văn hóa gia tăng cho chuyến đi của du khách.

Đặc biệt, khi thị trường du lịch hồi phục, song song với việc hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong môi trường du lịch… các doanh nghiệp du lịch cũng như các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm cung ứng du lịch cần tạo ra cho riêng mình những sản phẩm độc đáo, không đi theo lối mòn. Sản phẩm phải mang tính chất lượng hơn, đi vào tâm lý du khách hơn và đặc biệt phải chinh phục khách hàng bằng trái tim nhiều hơn. Thay vì như trước đây chỉ cạnh tranh về giá thì ngay bây giờ phải thay đổi nhanh chóng và tập trung sâu sắc hơn về chất của sản phẩm.

Cần có những cơ chế đặc thù

Thông qua du lịch để phát triển kinh tế, cũng có nghĩa là cần vận dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy hình thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn và có khả năng vươn tới thị trường một cách tối ưu. Điểm đến hấp dẫn và thu hút được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế không những cần thực sự mới mẻ, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết nhưng cũng cần dễ dàng tiếp cận với khách quốc tế, được giới thiệu kịp thời; chất lượng sản phẩm, dịch vụ được quản trị chặt chẽ và dài hơi.

Tháng 6 vừa qua, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về việc thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lên đề án, chủ trì triển khai. Theo đó, trước khi đón khách nhập cảnh, đảm bảo an ninh trật tự, lên kế hoạch xử lý tình huống liên quan đến dịch bệnh, sẽ phải thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 70% người dân địa phương được chọn thí điểm.

Bộ VHTTDL cho biết, dự thảo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc trong giai đoạn đầu, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn đủ khả năng phân chia các khu nghỉ dưỡng riêng biệt, an toàn chỉ dành phục vụ du khách quốc tế.

Kế hoạch cũng xác định, thị trường khách quốc tế thí điểm được chọn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ (phải có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh Covid-19) như Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông... Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.

Giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai, Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi các nước thí điểm theo lộ trình.

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho hay, trong giai đoạn 1 (từ tháng thứ nhất đến tháng thứ ba), thí điểm đón từ 2.000-3.000 khách/tháng, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến, phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế.

Giai đoạn 2 (từ tháng thứ tư đến tháng thứ sáu), sau khi đánh giá giai đoạn 1, nếu đảm bảo yêu cầu sẽ mở rộng quy mô đón từ 5.000-10.000 khách/tháng, có thể đón khách thông qua các chuyến bay thương mại, mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ du khách quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, với lộ trình thí điểm đón khách quốc tế, cần một kế hoạch phối hợp bài bản và nhất quán từ Trung ương tới địa phương, sự thống nhất ý chí và hành động từ các bộ, ban, ngành tới lực lượng tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ. Làm được như vậy, khả năng thành công mới cao.

Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuẩn để ngày càng nâng cao hơn cũng như thổi hồn vào sản phẩm để khách hàng có nhiều ấn tượng hơn. Hãy luôn trân trọng khách hàng và làm việc phải bằng trái tim, có như vậy khách hàng mới thực sự cảm nhận được sự thoải mái cũng như sẵn sàng chi trả số tiền nhiều hơn những gì mà du khách nghĩ.

Đối với các điểm đến du lịch phải đảm bảo môi trường sạch sẽ, an toàn và tạo tâm lý thoải mái nhất cho du khách. Sản phẩm của từng địa phương phải có sự khác biệt để du khách sẵn lòng dành nhiều thời gian hơn để trải nghiệm tại vùng, miền đó.

Ngoài ra, hướng dẫn viên tại điểm đến, hoặc suốt tuyến phải được đào tạo chuyên nghiệp hơn và luôn thổi một luồng gió mới cho du khách mỗi khi lên tour.

Thái Hải