Phố cổ Hà Nội chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể, phi vật thể đa dạng, hấp dẫn

Bà Trần Thị Thúy Loan, Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: Khu phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả Thủ đô Hà Nội. Khu phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền.

Đến nay, khu phố cổ chứa đựng kho tàng giá trị vật thể với 121 di tích (bao gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… Cùng với giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như hoạt động ẩm thực, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống… tất cả đã góp phần tạo dựng nên “dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”.

“Hiện nay, khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, bà Loan nhấn mạnh.

Trong những năm qua, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội thông qua các hoạt động văn hóa, các hoạt động tương tác, hội thảo, triển lãm... đã thực sự góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho du khách trong và ngoài nước có những hiểu biết về di sản, về quyết tâm bảo vệ khu phố cổ Hà Nội của chính quyền quận Hoàn Kiếm.

Những dự án triển khai trong khu phố cổ Hà Nội về chỉnh trang các phố, trùng tu, tôn tạo các di tích, các dự án xây dựng, cải tạo trụ sở cơ quan, trường học đã đem lại một diện mạo mới cho khu phố cổ, góp phần làm đẹp thành phố, cải thiện điều kiện sống cho người dân, góp phần lưu giữ các giá trị vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như việc bảo tồn các di sản vật thể còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nguồn lực và quy trình để thực hiện các dự án đầu tư; tiến độ thực hiện công tác giãn dân chậm; việc phát huy giá trị di sản gắn kết với kinh tế, xã hội chưa thực sự xứng tầm...

Phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra những thực trạng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội.

Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, cần thai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao.

PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh cho rằng, cùng với nét văn hóa và ẩm thực xứ Bắc thì quy hoạch kiến trúc khu phố cổ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch Thủ đô. Nhiều du khách nước ngoài thích thuê khách sạn mini ở khu phố cổ giữa lòng Hà Nội, mặc dù có thể giá phòng cao hơn và tiện nghi không sang trọng bằng các khách sạn lớn nơi khác nhưng họ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu văn hóa, tính cách của người Hà Nội. Họ có thể đi bộ hoặc ngồi xích lô dạo quanh khu phố cổ để chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ kính, nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội.

“Tham quan phố cổ Hà Nội hiện là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô. Chính việc khai thác những giá trị này đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa kiến trúc phố cổ Hà Nội”, PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh khẳng định.

Bên cạnh việc khai thác tốt hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng cần tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệcác giá trị văn hóa truyền thống. Cần có cơ chế xã hội hóa cho viêc bảo vệvà khai thác các ngôi nhà cổ. Cho phép chủ sở hữu sử dụng vào mục đích du lịch, tham quan, nghiên cứu, để họ có được nguồn thu từ du lịch. Chính nguồn thu từ việc khai thác một cách hiệu quả giúp người dân nhận thức rõ ràng về giá trị của nhà cổ.

Cùng với đó, người dân cũng cần được hỗ trợ về kiến thức bảo vệđể hiểu được cái gì cần bảo vệvà bảo vệnhư thế nào cho đúng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tham gia vào quá trình thực hiện xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù này.

Trong thời đại 4.0, việc bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích sẽ có những thay đổi lớn so với giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.

PGS.TS Phạm Hùng Cường, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, điện thoại đã dần trở thành một trung tâm thông tin, truy cập các thông tin về di tích, di sản rất thuận lợi.

“Với công nghệ 5G trong tương lai, các dữ liệu lớn về lịch sử văn hóa, di sản của Hà Nội nói chung và của phố cổ Hà Nội nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận qua các cổng thông tin ngay trên đường phố", PGS.TS Phạm Hùng Cường nhấn mạnh.

Kết thúc hội thảo, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp, chủ động tham mưu cho thành phố trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy giá trị di sản phi vật thể khu phố cổ Hà Nội; phát triển du lịch văn hóa liên kết trong hệ thống di sản Quốc gia. Đồng thời khôi phục các lễ hội, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân và đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật để khu phố cổ trở thành trung tâm văn hoá của cả nước.

Thái Hải