Đề xuất mở rộng đối tượng hỗ trợ

Tổng cục Du lịch cho rằng, con số này còn thấp so với hơn 26.700 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ hành nghề.

Đà Nẵng có khoảng 1.200 trên tổng số 4.700 hướng dẫn viên nhận hỗ trợ; Thừa Thiên Huế: 500/2.900 hướng dẫn viên; TP Hồ Chí Minh: 390/6.000 hướng dẫn viên; Khánh Hòa: 82/1.500 hướng dẫn viên; Quảng Ninh: 100/1.374 hướng dẫn viên; Hà Nội: 49/5.800 hướng dẫn viên.

Tại một số địa phương, tiến độ triển khai hỗ trợ vẫn còn chậm. Theo Tổng cục Du lịch, việc chậm trễ được cho là do nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 dẫn đến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, kéo theo tâm lý lo ngại của người dân khi tiếp xúc đông người nên việc lập hồ sơ ban đầu để được hưởng chính sách còn hạn chế; người lao động và người sử dụng chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa tích cực chủ động gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến các cơ quan địa phương.

Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ và các thủ tục liên quan bằng hình thức trực tuyến cũng khiến cán bộ giải quyết thủ tục gặp không ít khó khăn khi thẩm định hồ sơ.

Ngoài ra, theo đại diện các địa phương, khó khăn chủ yếu trong quá trình triển khai là vấn đề xác định hợp đồng lao động đúng quy định của luật; thủ tục nộp hồ sơ trực tiếp kèm bản sao có công chứng việc xác nhận là thành viên của các tổ chức nghề nghiệp... Các địa phương đề xuất, bên cạnh việc hỗ trợ hướng dẫn viên, cần mở rộng thêm hỗ trợ những đối tượng trong ngành Du lịch đang gặp khó khăn, như: Người lao động trong cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đơn vị vận chuyển du lịch...

Giảm tối đa các thủ tục

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, hiện nay, một số địa phương có lượng hướng dẫn viên du lịch đông như: TPHồ Chí Minh 6.000 người, Đà Nẵng 4.700 người, Hà Nội 5.800 người, Khánh Hòa trên 1.500 người… chiếm gần 70% tổng số hướng dẫn viên toàn quốc. Việc rà soát, xác định những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm hồ sơ nhận hỗ trợ là rất quan trọng, qua đó đề xuất những giải pháp thúc đẩy việc hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, kịp thời hơn.

Tại Hà Nội có hơn 5.800 người được cấp thẻ hướng dẫn viên, trong đó, có hơn 3.000 hướng dẫn viên ở Hà Nội, còn lại ở các tỉnh, TP khác. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đến nay, mới nhận được 96 hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong số đó chỉ có 49 hồ sơ đủ điều kiện, còn lại là chưa đủ điều kiện và đang trong quá trình giải quyết.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là 26.721 người. Trong đó, có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Những người này bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay. 

Quyết định 23/2021/QĐ-TTg yêu cầu hướng dẫn viên phải có thẻ hướng dẫn viên và hợp đồng lao động hoặc thẻ hiệp hội nghề nghiệp. Qua quá trình giải quyết hồ sơ cho thấy đa số các hồ sơ không đủ điều kiện đều do các hợp đồng không đáp ứng, còn số người có thẻ hội viên hội nghề nghiệp không có nhiều, nhiều hướng dẫn viên chỉ có hợp đồng vụ việc, theo quyết định sẽ không nhận được hỗ trợ.

Với mong muốn sẽ hỗ trợ được nhiều hơn nữa những hướng dẫn viên đang gặp khó khăn, Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên còn hạn là đủ điều kiện nhận hỗ trợ hoặc chỉ cần là hợp đồng lao động đi tour hoặc đi theo vụ việc là sẽ được xem xét hỗ trợ cho hướng dẫn viên.

Khánh Hòa có 1.525 hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, đến nay Sở đã phê duyệt được 82 trong tổng số 108 hồ sơ gửi đến. Sở Du lịch Khánh Hoà đề xuất các hồ sơ nên ngắn gọn và giảm bớt những chi tiết trong hồ sơ, chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hạn thôi là có thể chi trả hỗ trợ. Việc giảm bớt các chi tiết trong hồ sơ sẽ làm giảm tâm lý e ngại trong việc chủ động nộp hồ sơ của nhiều hướng dẫn viên có mong muốn nhận hỗ trợ.

Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, đã có 5 đợt hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch với tổng số 390 hướng dẫn viên, số tiền hơn 900 triệu đồng. Tuy vậy, đây chỉ là con số nhỏ so với khoảng 6.000 hướng dẫn viên du lịch của TP. Để hỗ trợ kịp thời nhất, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đề nghị chỉ cần thẻ hướng dẫn viên còn hiệu lực là được nhận hỗ trợ.

Tổng cục Du lịch cho biết, một trong số những vướng mắc đó là việc nhiều hướng dẫn viên du lịch không hoàn thiện được hồ sơ là do chỉ có hợp đồng vụ việc với doanh nghiệp. Nhằm giải quyết vấn đề này, các Sở địa phương cần hoàn chỉnh quy trình nội bộ đẩy nhanh quá trình xét duyệt hồ sơ; tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các hướng dẫn viên du lịch thực hiện hồ sơ theo đúng quy định.

Để đối tượng hướng dẫn viên du lịch được hưởng hỗ trợ kịp thời, lãnh đạo Tổng cục Du lịch khẳng định, tinh thần là giảm bớt tối đa các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho việc hỗ trợ hướng dẫn viên gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên cũng phải bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

Thái Hải