Giữ nguyên nét hoang sơ

Trong tâm trạng phấn khởi, anh Sầm Văn Lùng - Trưởng nhóm Du lịch cộng đồng Nặm Ngùa chia sẻ: Có được một Nặm Ngùa đẹp, thơ mộng và tạo thêm thu nhập cho bà con như hôm nay là nhờ sự chung sức, đồng lòng của bà con trong bản, cùng sự tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của các cấp, các ngành. Chúng tôi vui lắm, qua các cơ quan báo đài, mong rằng có nhiều hơn du khách biết và đến với Nặm Ngùa để bà con được đón tiếp.

Nặm Ngùa thuộc địa bàn xã Ngọc Động, huyện miền núi giáp biên Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng, với 45 hộ dân thuộc dân tộc Nùng, Dao cùng sinh sống. Từ xa, thác Nặm Ngùa hiện ra như 1 dải lụa trắng, uốn lượn giữa núi rừng xanh thẳm. Tiếng róc rách của dòng nước chảy cùng với bọt nước, hơi nước tung bay trắng xóa, mát rượi dường như làm xua tan những mệt mỏi của du khách khi bước chân tới nơi đây.

Nặm Ngùa được nhiều du khách biết đến là nơi có khí hậu mát mẻ, với thác xoáy (xuất hiện vào mùa mưa, nước về), có rừng trúc và những con suối nhỏ mang dáng dấp tự nhiên còn giữ nguyên được các nét hoang sơ. Cách Nặm Ngùa không xa là Lũng Tó, là điểm bãi tắm và nghỉ ngơi của du khách trong dịp hè.

leftcenterrightdel
Ngoài không khí mát mẻ trong những ngày hè, du khách còn có nhiều trải nghiệm thú vị. Ảnh: TH 

Những địa điểm thăm quan, du lịch, mặc dù là nhỏ lẻ, tự phát, nhưng người dân nơi đây đã tự tìm hiểu, trồng thêm hoa hướng dương gần suối Nặm Ngùa, dựng những lán nhỏ để du khách cùng bạn bè, gia đình ngồi ăn uống, tận hưởng những phút giây thư giãn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Nặm Ngùa. Ngoài ra, để thu hút khách du lịch, tại Nặm Ngùa có 3 hộ nhà sàn làm homestay thường xuyên đón khách nước ngoài (thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19).

Chính quyền không ngoài cuộc

Xác định phát triển du lịch là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện Hà Quảng đã có các văn bản để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cho nhiệm vụ này.

Nhằm xây dựng và phát triển một điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hà Quảng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, ngay từ đầu năm 2022, Phòng Văn hóa và Thông tin (VHTT) đã tham mưu cho huyện thành lập 4 đoàn đến khảo sát tại các địa điểm, địa bàn có tiềm năng du lịch, gồm: Lũng Slăng, Lũng Nặm; các xã khu vực lục khu; xã Trường Hà; các điểm công viên địa chất non nước Cao Bằng; Bãi Tình, Thanh Long; Nặm Ngùa, Ngọc Động; hoạt động về đêm tại thị trấn Thông Nông; Bản Ngẳm, Cần Yên…

Trên cơ sở xác định được các mô hình du lịch có thể triển khai thực hiện, Phòng VHTT đã tham mưu đưa nội dung triển khai mô hình du lịch tại Nặm Ngùa, Ngọc Động vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung đẩy mạnh hoàn thành trong giai đoạn 2022 - 2023.

leftcenterrightdel
Tổ hỗ trợ du lịch cộng đồng họp bàn cùng người dân để tiến hành xây dựng điểm du lịch Nặm Ngùa. Ảnh: TH 

Ngay sau khi có quyết định thành lập tổ hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng huyện và công văn giao nhiệm vụ của UBND huyện, Phòng VHTT và các thành viên trong tổ đã tiến hành họp, xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể nhiệm vụ các thành viên trong tổ, đồng thời thống nhất ý tưởng và phương pháp triển khai các nội dung thực hiện tại Nặm Ngùa.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình du lịch tại Nặm Ngùa, Phòng VHTT, tổ hỗ trợ du lịch cộng đồng đã thống nhất đến hướng dẫn trực tiếp bà con trong quá trình triển khai, xây dựng mô hình (trong tháng 7, tháng 8/2022, mỗi tuần vào Nặm Ngùa 1 ngày cùng tham gia thực hiện với bà con).

Với sự hướng dẫn của Phòng VHTT, tổ hỗ trợ du lịch cộng đồng, nhóm 16 hộ dân tham gia trực tiếp làm du lịch ở Nặm Ngùa đã chủ động phân công các thành viên trong nhóm (trừ thời điểm mùa vụ thì hàng ngày mỗi gia đình đều cử thành viên tham gia) cùng đóng góp ngày công để xây dựng, làm mới những mô hình sẵn có, vệ sinh môi trường, phát quang những bụi cỏ rậm, nạo vét bùn đất ở lòng suối, dựng 2 hệ thống chòi nghỉ trên nền sẵn có, trồng hoa, tạo cảnh quan 2 cọn nước, hệ thống cầu trúc nối đi lại, làm cổng đi vào khu vực suối...

Bà Ngân Thị Hoàng Yến - Trưởng phòng VHTT huyện Hà Quảng cho biết: Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, đồng hành cùng người dân chứ không bao cấp và xác định người dân mới là chủ đầu tư, sáng tạo và tiết kiệm”, do vậy, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Phòng VHTT đã chú trọng từ khâu kết nối, đến việc bàn và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực để thúc đẩy phát triển và “kích hoạt” khả năng làm du lịch cộng đồng của người dân. Tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương (tre, trúc, tấm ván nhỏ…) để cải tạo, nâng cấp địa điểm chòi nghỉ, khuôn viên cũng như các nhà sàn homestay hiện có, cố gắng giữ nguyên được các nét tự nhiên của điểm du lịch. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, xã hội hóa các nguồn lực trong việc đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để du khách biết đến nhiều hơn điểm du lịch Nặm Ngùa nói riêng, Hà Quảng nói chung.

leftcenterrightdel
Đội văn nghệ quần chúng xóm Nặm Ngùa luôn sẵn sàng mang đến cho du khách những điệu nhảy, câu hát đậm đà bản sắc dân tộc của người bản địa. Ảnh: TH 

Người dân tích cực hưởng ứng làm du lịch

Dưới sự bàn bạc, hướng dẫn của tổ hỗ trợ du lịch cộng đồng, 16 hộ dân xóm Nặm Ngùa xung phong làm du lịch đã đóng tự nguyện góp tiền cũng như công sức để sửa sang cảnh quan, môi trường và trang trí cho điểm du lịch.

Các hộ dân cũng thống nhất phân công trong nhóm, ai biết nấu ăn thì tham gia tổ hậu cần phục vụ du khách, ai có khiếu văn nghệ thì tham gia đội văn nghệ quần chúng, còn lại mọi người cùng nhau dọn dẹp vệ sinh môi trường và bảo vệ an toàn cho du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

leftcenterrightdel
Nhân dân trong xóm cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan cho khu du lịch Nặm Ngùa. Ảnh: TH

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhân dân trong xóm còn hướng tới việc phân công thành các nhóm trồng trọt, chăn nuôi để tự phục vụ đời sống và du khách.

Trong các ngày có khách du lịch đến thăm quan, nhóm du lịch Nặm Ngùa đều phân công người phụ trách, theo dõi, bảo vệ các hoạt động du lịch tại đây, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội cho du khách và nhân dân địa phương. Sau mỗi hoạt động đều tổ chức họp rút kinh nghiệm và bàn giao cho nhóm khác theo lịch phân công.

“Để đảm bảo sự công bằng, mọi người cùng được hưởng lợi từ món quà của mẹ thiên nhiên, nhóm chúng tôi đang bàn tới việc các hộ trong nhóm có lợi nhuận từ việc kinh doanh du lịch sẽ trích lại một phần để đóng góp, chia sẻ với bà con trong xóm”, anh Sầm Văn Lùng cho biết thêm.

Trong quá trình thực hiện các nội dung hỗ trợ, điểm du lịch Nặm Ngùa thường xuyên đón các du khách đến thăm quan, trải nghiệm, cao điểm vào các ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5/2022 với hơn 800 lượt khách và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022 với hơn 1.000 lượt khách, trong đó có ngày đón hơn 500 lượt khách đến thăm quan (đạt mục tiêu về quy mô: Tối đa phục vụ được 100 khách/1 lượt thăm quan; 30 khách có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng).

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Tùng - Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc xây dựng điểm du lịch Nặm Ngùa, huyện đang giao cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn, tham mưu triển khai các nội dung trong giai đoạn tiếp theo. Khi hoàn thiện các nội dung xây dựng tại điểm du lịch Nặm Ngùa sẽ lập hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch và tổ chức ra mắt điểm du lịch, đón khách đến thăm quan và kết nối với các điểm du lịch lân cận. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng các chiến dịch truyền thông và quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên du lịch để thu hút du khách đến với Nặm Ngùa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hoàng Yến