Đền Cửa Đạt là ngôi đền lớn nhất ở miền Tây Thanh Hóa, được xây dựng để tưởng nhớ vị tướng anh hùng Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng ngàn.

Ngôi đền cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60km về hướng Tây.

Theo sử sách ghi lại, danh nhân Cầm Bá Thước là một tướng lĩnh lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa vào cuối thế kỷ 19. Ông có nhiều đóng góp to lớn trong việc giúp dân, giúp nước. Năm 1895, ông đã bị giặc Pháp xử tử trên mảnh đất Châu Thường, tỉnh Thanh Hóa khi tròn 37 tuổi.

leftcenterrightdel
Di tích Lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt. Ảnh: Hương Trà 

Theo dân gian, Bà Chúa Thượng ngàn được sinh ra vào thời nhà Trần, luôn làm việc cứu khổ cứu nạn dân chúng nên được phong thánh.

Để tưởng nhớ công ơn của danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng ngàn, người dân địa phương lập hai ngôi đền để thành kính dâng hương mỗi dịp lễ, Tết.

leftcenterrightdel
 

Đến với đền Cửa Đạt, ngoài yếu tố tâm linh, du khách còn được đắm mình trong khung cảnh nên thơ giữa núi non trùng điệp và dòng sông Chu uốn lượn trong xanh, được thưởng thức đặc sản núi rừng như lá đắng, chuối rừng, lợn đồi, rau dớn, quả xổ rừng, măng rừng, sâm cau, chè xanh, cây mấu và cây chay....

leftcenterrightdel
Nhiều đặc sản núi rừng được bày bán để phục vụ du khách. Ảnh: Hương Trà 

Để phục vụ du khách đến du Xuân, Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Cửa Đạt đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện như hương thắp tưởng niệm, bãi đỗ xe rộng...

leftcenterrightdel
Bãi đỗ xe được ban quản lý hướng dẫn và sắp xếp theo thứ tự. Ảnh: Hương Trà 

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên, nằm trên đỉnh núi Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Núi Nưa là ngọn núi cao nhất ở vùng đồng bằng châu thổ phía Nam Thanh Hoá, có độ cao 585m dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam được bắt đầu từ các huyện Như Thanh, Nông Cống đổ về Nghệ An. Núi có chiều dài gần 20 km, làm nên bức trường thành Đông Nam tự nhiên, với một thung lũng rộng lớn, phía Đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ, đất đai màu mỡ. Do vị trí, địa hình ở thế đặc biệt núi Nưa được xem là ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh, có giếng Tiên, nước nơi đây không bao giờ vơi cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu, dân gian truyền là giếng dành riêng cho Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận.

leftcenterrightdel
Đền Nưa - An Tiêm. Ảnh: Hương Trà 
leftcenterrightdel
Huyệt đạo linh thiêng (Cổng Trời). Ảnh: Hương Trà 

Đền Độc Cước tại TP Sầm Sơn tọa lac trên hòn Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền Độc Cước thờ Đức thánh Độc Cước (nghĩa là một chân) gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xé đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ ngoài khơi vừa đánh giặc trong đất liền cứu dân làng.

Theo truyền thuyết, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường. Dân làng khóc thương nàng, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ (có nghĩa là nước mắt dài). Từ trong bụng người mẹ đó sinh ra cậu bé khôi ngô, chẳng bao lâu sau đã trở thành một chàng trai vạm vỡ, sức khỏe phi thường hàng ngày giúp đỡ dân làng. Cũng vào thời điểm này xuất hiện một loài thủy quái thường ăn thịt ngư chài mỗi khi ra biển, lúc lại vào làng sát hại dân lành, khiến nhiều người hoang mang, bỏ làng đi nơi khác kiếm sống.

leftcenterrightdel
Đền Độc Cước tại TP Sầm Sơn. Ảnh: Hương Trà 

Để diệt bầy thủy quái, chàng đã tự xé thân mình làm đôi. Một nửa theo người dân ra khơi đánh cá, một nửa lưu lại trên hòn Cổ Giải để chống loài quỷ biển bảo vệ người dân. Bàn chân của chàng đã in sâu vào núi đá truyền lại đến muôn đời.

Để nhớ công ơn diệt quỷ biển bảo vệ sự bình yên cho xóm làng, người dân đã lập đền thờ thần Độc Cước tại nơi có vết chân in sâu vào vách núi để cầu mong sự che chở, phù hộ cho cuộc sống được bình yên.

Chùa Bụt tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá toạ lạc ngay cửa biển Lạch Trường, lưng dựa núi Linh Trường, mặt quay ra biển.

leftcenterrightdel
Chùa Bụt tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Hương Trà 

Nơi đây từng diễn ra sự kiện chiến thắng trận đầu của hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Vào ngày 5/8/1964, ngày giặc Mỹ dùng không quân, hải quân mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc, quân và dân ta, trong đó có bộ đội hải quân đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, tàu chiến Mỹ.

Đặt chân đến hòn Bò, du khách sẽ chiêm ngưỡng tượng đài ghi dấu ấn chiến công oai hùng, chiến thắng trận đầu của hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Cùng với đó, nơi đây còn có đền Tam Quan mới được trùng tu, tôn tạo to đẹp, khang trang, hiện đang lưu giữ bộ xương cá voi khổng lồ. Đền được xây dựng từ xa xưa, mỗi khi ra khơi, về bến, ngư dân đều vào dâng hương, cầu xin mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, nhà nhà no đủ.

Hương Trà