Cơ cấu lại sản phẩm, định hướng thị trường, chuyển đổi số

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2021 sẽ là một năm tiếp tục khó khăn đối với ngành Du lịch, vừa là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nên ngành Du lịch cũng cần phải có những cách tiếp cận mới, mục tiêu mới và cách định hình khác, đặt nền móng cho phát triển du lịch cả 5 năm của giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, ngành Du lịch phải khẩn trương tham mưu xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Bộ VHTTDL liên quan đến lĩnh vực du lịch, phù hợp với triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới, vừa đề xuất các chính sách, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngành Du lịch đã đề xuất nhiều chính sách và doanh nghiệp, người lao động trong ngành Du lịch đã thực hưởng những hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền điện, thuế đất, phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế…

Tuy nhiên, những hỗ trợ này không nhiều, chưa thiết thực, nhiều chính sách chưa thực sự đến được doanh nghiệp, người lao động. Trong khi đó, nếu không có sự chuẩn bị tốt, đến khi dịch được khống chế, thị trường mở cửa trở lại du lịch Việt Nam rất dễ phải đối mặt những lỗ hổng lớn về nguồn nhân lực, sản phẩm, cơ sở vật chất và định hướng thị trường

Tới giờ đã có hơn 500 doanh nghiệp lữ hành không thể tiếp tục hoạt động, xin thu hồi giấy phép; 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động, công suất buồng phòng khách sạn chỉ còn 10 - 20%. Lực lượng lao động trong ngành đang có sự dịch chuyển lớn sang ngành khác mà phải mất 5 - 7 năm mới có thể hồi phục như năm 2019. Với những tổn thương như hiện nay, để “đoàn tàu” du lịch tiếp tục “lăn bánh trên đường ray” không hề đơn giản.

Mặt khác, thị trường thay đổi, nhu cầu, thị hiếu của khách, xu hướng du lịch cũng thay đổi nên cách làm du lịch cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Các chuyên gia du lịch cho rằng, vai trò “nhạc trưởng” của Tổng cục Du lịch trong việc liên kết các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp; cơ cấu lại sản phẩm; định hướng thị trường, xúc tiến quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển đổi số là vô cùng quan trọng.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, gìn giữ tài nguyên

Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế”, các chương trình kích cầu du lịch nội địa như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” được đẩy mạnh triển khai, thu hút được sự hưởng ứng của nhiều địa phương trọng điểm, góp phần vừa quảng bá thành quả phòng chống, dịch Covid-19, vừa khuyến khích người dân trong nước tham gia hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, phát triển thị trường du lịch nội địa trở thành thị trường nguồn quan trọng, đóng góp 55 - 75% tổng thu của ngành Du lịch trong 2 - 3 năm tới; năng lực cạnh tranh của toàn ngành Du lịch Việt Nam, đồng bộ với các phương án mở cửa an toàn trong khi chờ có vaccine Covid-19.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang cần có dòng tiền và kích cầu tạo thị trường, tái cấu trúc và chuẩn bị phục hồi du lịch quốc tế bằng các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine.

Việc đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong một bối cảnh kinh doanh hoàn toàn khác biệt hiện nay.

Nhắc lại việc đảm bảo an toàn cho du khách, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc cần làm là làm sao để các sản phẩm du lịch của chúng ta hấp dẫn hơn, thu hút hơn với người dân, du khách, để du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa. Vì vậy, biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cũng phải được đặt là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch phát triển, nhất định không lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh và các hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, có những nơi các khu vực bãi biển bị “băm nát”, tài nguyên mất đi, để lại những hiểm họa về môi trường mà “cây gậy” quản lý Nhà nước không điều tiết được. Sau này ai chịu trách nhiệm, phải phân cấp như thế nào? Quy hoạch du lịch kết nối trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội là gì? Thì cần quy hoạch du lịch để định hướng lại, phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm, gìn giữ tài nguyên.

Mặt khác, cũng cần phát huy sức mạnh tập thể, tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch gồm doanh nghiệp - địa phương - Chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch; triển khai chuyển đổi số trong ngành Du lịch, phát triển du lịch thông minh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về du lịch…

Thái Hải