Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhấn mạnh: Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thế giới. Thiệt hại do Covid-19 là vô cùng to lớn cả về tính mạng con người và về kinh tế thế giới, đặc biệt là du lịch.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại cho du lịch năm 2020 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1.000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng bị thiệt hại to lớn do Covid-19. Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, Covid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.

Một khó khăn lớn nhất của khôi phục du lịch là các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch. Trong bối cảnh này các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50 - 200%. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ sự ưu việt của mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của Covid-19 nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.

Tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, báo cáo chính thức của UNWTO, sự thiệt hại do Covid-19 đối với du lịch quốc tế quý I và II năm 2020 như sau: Khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm giảm 65% (tháng 6 là 93%) tương đương với 440 triệu khách; thiệt hại kinh tế là 460 tỷ USD, gấp 5 lần thiệt hại đợt khủng khoảng tài chính toàn cầu 2009.

UNWTO dự báo 3 kịch bản của du lịch thế giới với độ suy giảm tương ứng 58%, 70%, 78%. Tình hình 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy du lịch thế giới hiện đi theo kịch bản 2 là suy giảm khoảng 70%, thiệt hại từ du lịch quốc tế (xuất khẩu) toàn cầu ước khoảng 1.000 tỷ USD.

Đối với du lịch Việt Nam, khách quốc tế vào Việt Nam quý I là 3,7 triệu. Do đóng cửa biên giới, 3 quý còn lại cơ bản không có khách quốc tế. Do vậy, khách quốc tế năm 2020 sẽ chỉ đạt tối đa 30% so với năm 2019 (thiệt hại ít nhất 70%).

Khách nội địa, đã triển khai chương trình kích cầu đợt 1 (từ tháng 5 - 7/2020) và sẽ tiếp tục triển khai kích cầu đợt 2 (từ tháng 10 - 12/2020). Tuy nhiên tối đa cả năm lượng khách nội địa chỉ đạt 50% so với năm 2019.

Khách quốc tế ra (outbound) từ tháng 3/2020 cơ bản không có khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Thiệt hại từ kinh doanh outbound ước khoảng 85%.

Doanh thu du lịch năm 2019 đạt 755.000 tỷ, với dự kiến lượng khách như trên, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2020 (inbound và nội địa) chỉ đạt khoảng 300.000 tỷ (thiệt hại 61% so với 2019).

Ông Bình cho rằng, Covid-19 cho thấy du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này. 

Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành Du lịch có thể đề cập tới công nghệ di động, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT), thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR), AI - trí tuệ nhân tạo, Block Chain (chuỗi khối) và thương mại điện tử.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: TH

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số của ngành Du lịch là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Thế giới đang bước vào nền công nghiệp 4.0, trong đó sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, của các công nghệ hiện đại, của các vật liệu mới đã và đang làm thay đổi từ nhận thức, tri thức, đến mọi mặt xã hội. Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Sự nhạy bén, năng động của người Việt Nam, việc chuyển đổi số sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch, góp phần đưa doanh nghiệp du lịch  phát triển nhanh hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Nền tảng mạng xã hội trong phát triển du lịch

Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt - Giám đốc Chính sách Công Việt Nam, Tập đoàn Facebook "du lịch" và "nghỉ dưỡng" là hai xu hướng diễn ra mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam cuối 2020 của Facebook cho thấy 86% người tiêu dùng có ý định tự thưởng cho bản thân và 87% có ý định chia sẻ và tặng quà cho người thân.

Như vậy, sau đại dịch Covid-19, du lịch và nghỉ dưỡng là ưu tiên lớn nhất của người tiêu dùng khi được hỏi về xu hướng dịch vụ và trong đó Facebook là kênh quảng cáo hàng đầu về du lịch và lữ hành.

Tháng 5 năm nay, Facebook đã phát động chiến dịch Facebook for Việt Nam - Facebook for Economy.

Bên cạnh đó, Facebook cũng cùng các công ty du lịch lữ hành Việt Nam tham gia quay clip “Bao la Việt Nam” với sự góp mặt của rất nhiều nghệ sĩ có tên tuổi để thúc đẩy phát triển du lịch hậu Covid-19. Clip đã nhận được hàng triệu lượt xem, hàng ngàn lượt chia sẻ trong công cuộc phục hồi và phát triển du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, Facebook cũng phối hợp với Vietjet đưa ra chương trình “Bao la Việt Nam - Bay xanh cùng Vietjet” để bắt kịp xu thế, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch nội địa. Không chỉ vậy, Facebook cũng hưởng ứng mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đưa ra chương trình Sức sống Việt Nam.

Sắp tới, Facebook dự định triển khai dự án “Video for Vietnam” để thúc đẩy du lịch hậu Covid-19. 

Bà Nguyễn Trâm, Giám đốc Việt Nam - Lào và Campuchia của Google cho biết, trong bối cảnh du lịch hạn chế, người Việt tìm đến những điểm du lịch online với các video trực tuyến khơi nguồn cảm hướng du lịch của họ. Người Việt quan trọng uy tín của công ty du lịch hàng đầu, giá cả là thứ yếu. Vì vậy các công ty du lịch cần chủ trương triển khai các chương trình thúc đẩy, làm cho chuyến đi của du khách hoàn hảo nhất, phù hợp cho mọi đối tượng, trong đó có các hình thức chuyển đổi số và áp dụng công nghệ mới để tối ưu trải nghiệm.

Theo bà Trâm, các doanh nghiệp du lịch có thể thúc đẩy sự hồi sinh của du lịch qua 3 cách chính: Tôn vinh vẻ đẹp quốc gia trên thế giới, đào tạo kỹ năng số và quảng bá du lịch cho du khách với các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia.

Thái Hải