Nhận diện tour giá rẻ

Theo đánh giá tổng kết từ phía Tổng cục Du lịch, việc tổ chức, quảng bá để bán tour 0 đồng thường chỉ áp dụng được cho một số phân khúc thị trường, nhóm khách có thói quen đi theo đoàn và chi tiêu nhiều vào việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ Trưởng Vụ Lữ hành cho rằng, về bản chất, tour du lịch giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá trong hoạt động kinh doanh của thị trường. Theo đó, giá tour thường thấp do sử dụng dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, hoặc các doanh nghiệp lữ hành tiết kiệm chi phí tour bằng cách tận dụng cho khách nghỉ đêm trên các phương tiện vận chuyển đêm…

Tham gia những tour giá rẻ, du khách thường được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác như mua sắm, thăm quan, vui chơi giải trí, ăn uống… Điều này giúp tái phân bổ lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến, nhằm đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia cung ứng chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch giá rẻ.

Thương nhân và khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Quý Phương, tour giá rẻ thường dễ nhận diện dưới một số hình thức, như các doanh nghiệp lữ hành tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá cũng như các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá tour được giảm đáng kể.

Với các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến để vận chuyển khách du lịch, do đặc điểm toàn bộ số chỗ trên máy bay đã được mua trước trọn gói, nếu không bán được thì cũng không thể giữ chỗ nên sau khi tính toán điểm hòa vốn các công ty lữ hành buộc phải bán các tour giá rẻ với mức giá vé máy bay thấp hoặc bằng không.

Ngoài ra, tour cho khách đi ngắn ngày, lữ hành tiết kiệm tối đa chi phí bằng cách cắt giảm hành trình, ép khách vào các điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp nhưng giá cao gấp nhiều lần giá trị thực.

Riêng dạng tour giá rẻ đi theo đường bộ vào Việt Nam, phía công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại khách cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên của Việt Nam với giá rẻ hoặc bằng 0 đồng. Vì vậy, các công ty du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên phải lấy chi phí mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết.

Tuy nhiên, thực tế nảy sinh phức tạp và một trong những biến tướng của tour giá rẻ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch được biết đến thời gian qua là tour 0 đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, nhà nước không khuyến khích loại hình du lịch giá rẻ.

Nhìn từ “hai phía”

Nhìn bề ngoài, nhiều người cho rằng tour giá rẻ không tạo ra nhiều giá trị, nhưng thực chất ông Nguyễn Quý Phương khẳng định, do khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, thăm quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến. Do đó, dạng tour này vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, kích thích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa cho địa phương.

Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, tour du lịch giá rẻ chính là đòn bẩy tăng khả năng thu hút khách của các hãng hàng không, duy trì ổn định các đường bay. Bởi nó góp phần làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách mùa thấp điểm còn các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn, duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.

Xét theo khía cạnh tích cực là vậy, nhưng thực tế mặt trái của tour giá rẻ đã khiến thị trường du lịch trong nước thời gian qua trở nên… nhem nhuốc, xấu xí và tai tiếng.

Do quản lý lỏng lẻo, thiếu hiệu quả nên tour giá rẻ đã làm xấu hình ảnh của điểm đến. Chính việc kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa, dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức đã tạo sức ép và gánh nặng lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và quản lý điểm đến. Không quản lý được nguồn thu này dẫn đến mất kiểm soát doanh số và thất thu thuế.

Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, khách du lịch thường giao dịch thanh toán trực tuyến (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ là máy POS, thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) mà không thông qua hệ thống ngân hàng nên vô hình chung lại vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.

(Theo Vietnam+)