Chưa quyết liệt trong bảo tồn di sản

Tại phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu (quận 7) cho rằng: Dù thời gian qua, các cấp chính quyền đã có cố gắng trong duy tu, bảo dưỡng, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa gắn với việc phát triển kinh tế của TP, tuy nhiên chưa có sự quyết liệt trong bảo quản, bảo tồn di sản.

Chẳng hạn như nhà cụ Vương Hồng Sển, khi ông mất đã giao lại cho TP ngôi nhà và các đồ cổ do ông gìn giữ, sưu tầm trong nhiều năm. Nhưng đến nay, chưa thấy TP có giải pháp. Có thông tin cho rằng bây giờ ngôi nhà này không còn gì.

Hay như nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu có nhiều tư liệu về biển đảo và ông muốn gửi lại cho Thư viện Quốc gia ở TP. Tuy nhiên, việc lưu giữ của thư viện rất khó khăn, dù việc này còn gắn với Trung ương. Đề nghị HĐND TP và UBND TP quan tâm vấn đề này, bởi vì nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cao niên.

Bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao về kết quả giám sát của HĐND TP, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (quận 9) cho rằng: Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP là khá cấp bách, kịp thời, trong xu hướng TP với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê băn khoăn, trong thời gian qua, TP khá lúng túng, gần như buông trôi, trong đó có phần di sản của học giả Vương Hồng Sển hoặc học giả Nguyễn Đình Đầu, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê.

“Chưa có một TP nào như TP Hồ Chí Minh, khá phong phú về bảo tàng, giàu về cổ vật. Nhưng rất tiếc, thời gian qua do sự hiểu biết có hạn chế, sự quản lý chưa đi vào nề nếp để lại cho xã hội hết sức xót xa về cách hành xử, ứng xử đối với báu vật… Nếu chúng ta nhìn vào di sản và kiến trúc đô thị như là cái lạc hậu cần phá dỡ thì chúng ta đã đánh mất lịch sử hình thành của Sài Gòn”, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê đề xuất, ngoài việc tham vấn đưa Hội Di sản TP trở thành tổ chức hội cần được lưu dùng để phát huy cho lĩnh vực bảo tồn kiến trúc, bảo vệ di sản, thì việc xã hội hóa trong việc trùng tu, bảo tồn là khá cần thiết.

Theo ông, phải quảng bá để làm sao mọi người có sự trân trọng về “hồn” đô thị này. Trong bảo tồn cảnh quan đô thị, UBND TP quan tâm hơn, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia ở lĩnh vực bảo tồn di sản, cảnh quan đô thị.

Tập trung đầu tư hệ thống kho bảo quản

Giải trình các ý kiến ĐB đặt ra, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, đối với TP Hồ Chí Minh, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: TL

Liên quan đến nhà cụ Vương Hồng Sển, ông Nhân cho hay, hiện đang chờ tòa án giải quyết về mặt pháp lý. Lý do là cụ Vương Hồng Sển có di chúc hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước, nhưng hiện nay có sự tranh chấp của gia đình. Sở Văn hóa - Thể thao sẽ có báo cáo cho HĐND TP, Thường trực HĐND TP, các ĐB chất vấn về nhà cụ Vương Hồng Sển.

Về mối quan hệ với Hội Di sản TP, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thông tin: Trong tất cả những công việc liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa thì sở này đều gắn với Hội Di sản TP để có sự hỗ trợ.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 14 bảo tàng, nhưng chỉ có Bảo tàng Di tích chiến tranh được xây dựng để phục vụ cho mục đích bảo tàng. Các bảo tàng còn lại là tận dụng, sử dụng lại các căn biệt thự, những di tích để thành lập bảo tàng, nên công tác quản lý hiện vật, trưng bày gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của TP về đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, Sở Văn hóa - Thể thao đã phối hợp với các đơn vị để mời gọi đầu tư. Đơn vị này cũng đã trình cho UBND TP 2 dự án mời gọi đầu tư tại Bảo tàng Mỹ thuật TP và Bảo tàng Lịch sử TP.

Để phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các hiện vật của các bảo tàng, với 540 ngàn hiện vật, UBND TP cấp cho Sở Văn hóa - Thể thao khoảng 10 tỷ đồng/năm để mua các hiện vật cho các bảo tàng.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho hay, sắp tới, TP sẽ tập trung đầu tư hệ thống kho bảo quản cho các bảo tàng; tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa cho các bảo tàng phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của khách trong và ngoài nước.

Thiên Lý