Xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc là 1 trong 20 làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người được Nhà nước đầu tư bảo tồn, tôn tạo. 

Năm 2008, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xây dựng Dự án “Bảo tồn, tôn tạo làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường” tại xóm Ải với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, giao Sở VH-TT&DL tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư.

Dự án nhằm mục đích bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường. Đồng thời kết hợp giữa bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển dịch vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào dân tộc địa phương. 

Năm 2009, dự án bắt đầu triển khai thực hiện.

Năm 2013, dự án cơ bản hoàn thành. 

Ngày 24/1/2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Quyết định số 98/QĐ-UBND công nhận xóm Ải, xã Phong Phú trở thành điểm du lịch cộng đồng.     

Nhà sàn gia đình ông Thứ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HB 

Tuy nhiên, sau khi kết thúc dự án, đã bộc lộ nhiều bất cập. Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: Xóm Ải có 92 hộ, sống tập trung thành 2 khu dân cư (Ải trong và Ải ngoài), trong đó chỉ có 37 hộ nằm trong vùng Dự án “Bảo tồn, tôn tạo làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường”. Và trong 37 hộ chỉ có 10 hộ được dự án đầu tư kinh phí tôn tạo, sửa chữa nhà ở với một số hạng mục như thay mái nhà đang lợp tấm lợp fibro xi măng bằng ngói đỏ, thay cột, vi kèo bị hư hỏng... Số 27 hộ còn lại chỉ được hỗ trợ duy chuyển, làm mới chuồng trâu, bò, công trình vệ sinh. Đối với công đồng, dự án đầu tư làm mới nhà sinh hoạt cộng đồng, sân vui chơi thể thao, hệ thống đèn điện chiếu sáng, đập dâng nước tạo cảnh quan môi trường khu trung tâm sinh hoạt cộng đồng; cải tạo cảnh quan môi trường trong xóm.

Dù đã được đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nhưng bộ mặt nông thôn xóm Ải vẫn chưa được cải thiện đúng như mục đích dự án: Bảo tồn một làng tiêu biểu của dân tộc Mường - một làng Mường cổ. Thậm chí một số nhà sàn đã bị lai căng, không còn nguyên bản kiến trúc một ngôi nhà sàn của người Mường xưa. Đơn cử như công trình Nhà sinh hoạt cộng đồng phải là công trình phản ánh một cách thật nhất, rõ nét nhất về ngôi nhà sàn làng Mường cổ nói chung, của người Mường Bi nói riêng, nhưng lại bị lai căng. 

Bản thân những người dân xóm Ải cũng không nghi nhận công trình “Nhà dự án” là nhà ở của người Mường xưa. Đem so sánh với nhà ở của những hộ dân trong xóm sẽ thấy rất rõ sự lai căng của Nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Nhà sàn nguyên bản của gia đình người Mường xóm Ải. Ảnh: HB

Cụ Bùi Văn Khẩn khẳng định: Nhà sinh hoạt cộng đồng do dự án xây dựng, không phải là nhà sàn của người Mường. Và càng không thể nói đấy là nhà Mường cổ. Ngôi nhà này chỉ đúng nét nhà người Mường xưa ở chỗ: mái lợp lá cọ, sàn làm bằng cây bương bổ nhỏ. Còn sai từ mái nhà đến vị trí đặt cầu thang, kết cấu trong nhà như vì kèo, vách, cột trụ… Đặc biệt, nhà sàn người Mường xưa, kể cả nhà Lang, không bao giờ trang trí hoa văn trong nhà. 

Ngược lại, Nhà sinh hoạt cộng đồng lại trang trí họa tiết, hoa văn ngang dọc, rất cầu kỳ. Điều này không chỉ làm cho du khách mất “hứng” ngay từ khi đặt chân vào xóm Ải để thăm quan, tìm hiểu bản sắc một làng Mường cổ, ngay cả người dân trong xóm thường xuyên sinh hoạt ở Nhà công đồng cũng không vừa ý. 

Nói về 37 hộ nằm trong dự án và 10 hộ được dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo nhà sàn, ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải bày tỏ: Dự án triển khai quá chậm. Cán bộ dự án về điều tra, thống kê từng hạng mục nhà phải tu sửa, thay thế, nhưng 2 năm sau mới triển khai thực hiện, tu sửa có 10 nhà mà 2 năm mới xong. Chủ thầu làm xong là đi, chính quyền xóm không biết mỗi nhà được dự án hỗ trợ bao nhiêu tiền, hộ phải bỏ ra bao nhiêu, tu sửa, tôn tạo những hạng mục nào...

Nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Ải đã bị lai căng. Ảnh: HB

Hiện nay nhiều nhà trong xóm, có cả những nhà nằm trong dự án nhưng chưa được đầu tư vốn để tôn tạo, tu bổ, đã bị hư hỏng nặng như hộ ông Bùi Văn Lập, Bùi Văn Chương, hộ bà Hà Thị Ánh… vì thế, nhiều hộ đã tự mua vật liệu tu sửa lại nhà không đúng cấu trúc của nhà sàn cổ. 

Thậm chí có hộ làm nhà sàn nhưng không dùng vật liệu gỗ, mà làm bằng bê tông cốt thép, phá vỡ hình ảnh, cảnh quan của một làng Mường cổ. 

Cụ Bùi Văn Khẩn tâm sự: Về nét văn hóa, nếp sống, sinh hoạt, tập quán, tuổi đời của xóm, thì xóm Ải xứng đáng là làng Mường cổ, làng tiêu biểu của dân tộc Mường. Nhưng hiện tại, xóm Ải đã phần nào làm nhạt đi hình ảnh làng Mường cổ trong con mắt của du khách. Phần nhiều nhà sàn trong xóm đã bị lai căng, thậm chí đánh mất bản sắc, đặc trưng không thể thiếu vắng trong kết cấu nhà sàn của một gia đình người Mường xưa. Đó là cái mộc chạn (đồ đựng nước rửa chân trước khi lên nhà, làm bằng cây bương hoặc cây nứa to) và ống nước (ống dùng vác  nước từ mó, suối về nhà). Hay như cái cối giã gạo, cối xay lúa để dưới gầm nhà; cái khung cửi, cái bếp trong nhà… Những đồ vật đó tuy nhỏ, nhưng gây ấn tượng rất sâu sắc đối với du khách. 

Nhà sàn bằng chất liệu bê tông cốt thép. Ảnh: HB

Là làng Mường cổ nhưng cả xóm Ải hầu như không có nhà nào lợp gianh hay lá cọ. Cụ Khẩn cho biết, vì không có cỏ gianh nên dự án mới chuyển sang lợp bằng ngói. Mà nhà Mường cổ đem lợp mái ngói thì có còn là nhà cổ?  

Ông Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phong Phú nhận xét: Sau khi triển khai dự án, người dân đã khôi phục lại nghề trồng bông, dệt vải, được dạy dân ca, dân vũ, được tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, xóm có đội văn nghệ phục vụ khách du lịch khi khách có nhu cầu, một vài gia đình đã đầu tư cơ sở vật chất, bắt đầu làm du lịch.   

Nhưng vẫn còn nhiều cái chưa được, đó là, nhìn toàn cảnh xóm Ải bây giờ như một tấm áo vá nhiều màu. Vì 92 hộ trong xóm, nhà lợp mái bằng tấm phibro xi măng, nhà lợp bằng ngói đỏ, nhà mái cũ, nhà mái mới loang lổ, sen lẫn là những ngôi nhà sàn được làm bằng bê tông cốt thép. Nhiều nhà, kể cả số nhà trong vùng dự án đã bị cải biên, lai căng không còn nguyên vẹn cả về hình thức và kết cấu của một nhà Mường cổ. Đây là kết quả của việc đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài của dự án. 

Đa phần mái nhà sàn ở xóm Ải được lợp bằng ngói đỏ hoặc tấm fibro xi măng. Ảnh: HB

Những năm tới, nếu không được đầu tư, đầu tư một cách đồng bộ thì chỉ một vài năm tới, một số gia đình xóm Ải sẽ phải tự đầu tư làm lại nhà. Và như vậy, rất khó để giữ được bản sắc, nét độc đáo của nhà sàn Mường cổ, từ đó cảnh quan, hình ảnh, bản sắc một làng Mường cổ sẽ bị mai một. Những bất cập trên là nguyên nhân chính làm cho điểm du lịch cộng đồng xóm Ải chưa hấp dẫn, chưa “hút” được khách du lịch như các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như Bản Lác, Pom Coọng (Mai Châu), xóm Mỗ, Thung Nai (Kỳ Sơn).  

Thiết nghĩ, để xóm Ải thực sự là làng Mường cổ, một làng tiêu biểu của dân tộc Mường, một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, Sở VH-TT&DL Hòa Bình cần có giải pháp thiết thực nhất để bảo tồn, tôn tạo không để mai một đi hình ảnh của một làng Mường giàu bản sắc dân tộc như xóm Ải.

Hồng Bài