Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các huyện miền núi, vùng cao tỉnh Thanh Hóa luôn thấp thỏm lo âu vì sợ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét không may tràn về sẽ cuốn trôi người và tài sản bất cứ lúc nào.

Năm 2019, tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bất ngờ xuất hiện một trận lũ quét, làm hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, cướp đi sinh mạng của nhiều đồng bào DTTS trong tích tắc. Đây được đánh giá là trận lũ quét kinh hoàng nhất từ trước tới nay ở Thanh Hóa, làm thiệt hại nặng nề về tài sản và người của đồng bào DTTS nơi đây.

Không chỉ lũ ống, lũ quét, năm nào cũng vậy, cứ trời mưa to nhiều ngày, nước thẩm thấu vào núi làm sạt lở đất ở các triền núi xuống đường giao thông, các bản của đồng bào DTTS nằm sát ngay các chân núi, chân đồi, khiến đồng bào luôn trong trạng thái lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về.

Mới đây nhất, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, trên địa bàn huyện Mường Lát xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở ta luy dương trên tuyến Quốc lộ 15C, đoạn qua bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng nhiều ngày. Cụ thể, khu vực sạt lở xảy ra tại Km70+900 với khối lượng đất, đá ước tính khoảng gần 20 nghìn m3 tràn xuống, chắn ngang tuyến Quốc lộ 15C, khiến cho tuyến giao thông nối các huyện miền xuôi lên huyện Mường Lát và ngược lại không thể lưu thông qua lại.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mường Lát cho biết: Vụ sạt lở này, huyện Mường Lát phải phối hợp với Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị  tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả, bảo đảm sớm thông tuyến để đồng bào các dân tộc trên địa bàn đi lại thuận tiện. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành lập biển cảnh báo, cử người trực gác ở hai đầu điểm sạt lở để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông đi theo các tuyến đường khác. Mãi đến ngày 21/10/2021 mới thông được tuyến đường này.

Trong một tình huống khác, theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ, tại bản Ón, xã Tam Chung đã xảy ra sạt lở đất trên đỉnh và thân đồi giáp với khu vực đồng bào DTTS nơi đây sinh sống. Chiều dài cung sạt khoảng 100m, rộng 0,5m, sâu 1m, có nguy cơ rất cao mất an toàn về tính mạng, tài sản của 42 hộ, 244 nhân khẩu đồng bào DTTS nơi đây.

Hiện nay, hiện tượng sạt lở đất diễn biến phức tạp, hết sức khó lường, đặc biệt là mùa mưa năm 2021 tình hình cung sạt tiếp tục mở rộng, địa phương phải cắm mốc, cắm biển báo nguy hiểm trong phạm vi ảnh hưởng của thiên tai; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về thiên tai và tổ chức sơ tán, di dời các hộ đồng bào DTTS đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Trước tình hình này, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định tình huống khẩn cấp về thiên tai, triển khai thực hiện đầu tư khu tái định cư tập trung phục vụ di dời khẩn cấp các hộ đồng bào DTTS có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất ở bản Ón, xã Tam Chung đến nơi an toàn. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa giao cho UBND huyện Mường Lát tiến hành ngay việc huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để thực hiện các biện pháp khắc phục tạm thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Khẩn trương thực hiện xây dựng khu tái định cư tập trung đảm bảo theo đúng quy định hiện hành, nhanh chóng giúp đồng bào DTTS nơi đây có nhà ở, ổn định cuộc sống.

Không chỉ ở huyện Mường Lát, tại huyện Quan Sơn cũng thường xuyên xảy ra sạt lở đất ở các sườn đồi, sườn núi, ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào DTTS, trong đó nguy hiểm nhất hiện nay là tại bản Ngàm và bản Co Hương, xã Tam Thanh đã xảy ra sạt lở đất trên sườn đồi núi phía đồng bào DTTS đang sinh sống, với chiều dài cung sạt khoảng 200m, rộng 1m, sâu 7m, đã đe dọa đến tính mạng, tài sản của 36 hộ, 189 nhân khẩu đồng bào DTTS nơi đây.

Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định đầu tư ngay khu tái định cư tập trung, phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất tại bản Ngàm và bản Co Hương, xã Tam Thanh. Hiện nay, huyện Quan Sơn cũng đang lên phương án di dời nhà cửa, tài sản, đồng bào DTTS đến nơi an toàn, triển khai thực hiện dự án tái định cư tập trung ở đây để đảm bảo cuộc sống an toàn cho đồng bào DTTS của 2 bản Co Hương và bản Ngàm.

Những năm gần đây, để đảm bảo cuộc sống cho đồng bào DTTS các huyện miền núi, vùng cao, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều quyết sách đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, các dự án, mô hình sinh kế trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các DTTS.

Văn Thanh