Nghe cô gái trả lời các câu hỏi, nhất là mục “Vượt chướng ngại vật” mới thấy tính quyết đoán, trả lời chính xác cụm từ “y tế”, qua gợi ý “khẩu trang”. Phải công nhận cô gái này có óc phán đoán và khả năng loại trừ quá tinh nhanh, cùng dính dáng đến khẩu trang còn có 2 cụm từ có 3 chữ cái là y sỹ và y tá, nhưng cô gái đã chọn “y tế” quá chuẩn, tạo ra sự bứt phá điểm thi ngoạn mục. Kết quả này là hoa trái của một tâm hồn mẫn cảm với thời cuộc đã và đang diễn ra, cả nước tập trung chống dịch Covid -19, trong đó ngành Y tế luôn ở vị trí mũi nhọn, chủ lực. Kết quả này của em Thu Hằng có được, không phải là sự ăn may mà là cả một quá trình nỗ lực vươn lên trong học tập, trau dồi tri thức.

Các cụ ta có câu: “Tuổi mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” để nói về sức lực của tuổi trẻ. Nhìn động tác của Thu hằng mỗi lần trả lời được câu hỏi, em nắm chặt hai bàn tay và giơ lên cao, như một sự khẳng định rành mạch, người xem như được truyền cảm hứng về sự quyết tâm, của một cá tính đầy nhiệt huyết trong cuộc chơi trí tuệ. Thật mừng trời không phụ lòng người, vòng nguyệt quế đã được trao xứng đáng cho công sức học tập, rèn luyện của thí sinh Thu Hằng và cũng là mốc son ghi dấu chất lượng dạy dỗ của đội ngũ giáo viên Trường Kim Sơn A.

Hình ảnh cô gái trẻ Thu Hằng tươi cười nhận vòng nguyệt quế trong những ngày đất nước thanh bình, báo hiệu về một lớp trẻ, nhất là trẻ em gái sống có chủ đích, dám bộc lộ cá tính, khẳng định sự nỗ lực của mình cứ in sâu trong tôi, khiến tôi chạnh nhớ đến cô cháu gái đồng nghiệp một thời cũng đã nỗ lực phấn đấu, có những bước trưởng thành vượt bậc.

Về tuổi đời, đồng nghiệp này kém tôi suýt soát hai con giáp, nên ngoài giờ làm việc thường gọi tôi là cô và xưng cháu. Cách đây hai chục năm, trưa ấy chúng tôi cùng đi ăn ở bếp ăn tập thể cho nhiều cơ quan. Ăn xong, trong lúc chờ cháu gái lấy nước uống, một bác nam giới đã cao tuổi ở bàn bên ghé sang hỏi: “Cô bé mới về cơ quan cô là con đồng chí nào ở Trung ương đấy”. Tôi ớ ra và thật thà trả lời. “Dạ bố mẹ cô ấy ở tỉnh lẻ thôi ạ”. “Cô nói thế nào chứ, tôi sẽ tự tìm hiểu.” “Vâng, mời bác cứ tìm hiểu” - tôi thẳng thắn. Thấy cô cháu gái sắp mang nước về đến bàn, bác ta lảng ngay. Chả biết sau đó bác ta có truy lý lịch cô đồng nghiệp của tôi hay không, tôi cũng không để ý.

Về phòng nghỉ, tôi kể lại câu chuyện vừa rồi cho cô đồng nghiệp nghe. Cứ nghĩ cô sẽ có lời nói hoặc hành động để tỏ thái độ, trước thực trạng tuyển người vào các cơ quan Nhà nước ngầm theo phương châm: “Con cháu các cụ cả”. Nhưng không, cô cháu gái chỉ nhỏ nhẹ: “Cô cháu mình đều giống nhau, cháu sẽ nỗ lực làm việc để xứng đáng là con của bố mẹ cháu”.

Sức trẻ, lại được đào tạo bài bản, làm việc có trách nhiệm kết hợp với sự tinh nhạy,  có hiệu quả, không xảy ra sai sót, giúp người đồng nghiệp của tôi có những bước tiến vững chắc trong nhiệm vụ được giao, được tập thể, lãnh đạo cơ quan đánh giá, ghi nhận.

Cùng là phụ nữ với nhau, tôi thật nể trọng tính quyết đoán của cô cháu gái trong công việc chung và riêng. Có thời điểm chỉ một thời gian ngắn, cô cháu gái đã nếm trải nhiều biến cố, mất đi cả hai đấng sinh thành. Nhiều người lo cho cô khó lòng mà gượng dậy. Tôi đã nghỉ hưu biết tin, tìm gặp cháu chia sẻ. Cháu tâm sự: “Đau sót lắm cô ạ, nhưng có tình yêu thương của anh chị em, chồng con trong gia đình, nhờ sự động viên, giúp đỡ, cộng đồng trách nhiệm của tập thể cơ quan đã giúp cháu vượt lên. Cháu không cho phép mình gục ngã".

Và thật mừng, gần đây nhất người đồng nghiệp ấy vừa được tập thể tín nhiệm bầu vào làm thành viên lãnh đạo của cơ quan. Giờ đây ở cương vị, trọng trách mới tôi biết cô đồng nghiệp tươi trẻ ngày nào giờ đã trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm trong công việc, biết phát huy trí tuệ tập thể xây dựng cơ quan, hoàn thành nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Không nói ra nhưng tôi tin cô đồng nghiệp của mình ngày nào, đang ngày đêm lặng lẽ làm việc, để khẳng định, chỉ có thể vươn lên vững chắc bằng chính đôi chân của mình, xứng đáng với truyền thống là con cháu bà Trưng, bà Triệu anh hùng.

Nhà thơ Đoàn Thị Ký