Như Báo Thanh tra đã nhiều lần đề cập, DA triển khai từ năm 2014 với tổng nguồn vốn phê duyệt hơn 11,5 ngàn tỷ đồng. Sau nhiều lần lỗi hẹn thông xe, đến nay, toàn tuyến mới có 66km đường hoàn thiện, còn lại hơn 11,5km đi qua địa bàn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vướng mắc về đền bù, giải tỏa nên không thể tiếp tục thi công.

Theo kế hoạch gần nhất là DA sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 12/2018. Tuy nhiên, đã quá thời hạn hơn 15 tháng vẫn chưa thể hoàn thành...

Trước tình hình này, Ban Quản lý DA đường Hồ Chí Minh (BQLDA) cùng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhiều lần làm việc với UBND TP Đà Nẵng và huyện Hòa Vang để tháo gỡ vướng mắc về đền bù giải tỏa nhưng mọi việc gần như không có kết quả.

Ông Nguyễn Minh Khánh, Trưởng phòng Điều hành DA 4, BQLDA cho biết, tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan thuộc DA đường Hồ Chí Minh trùng với hệ thống tuyến cao tốc Bắc - Nam được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), với tổng chiều dài 77,6km. Hiện nay, đoạn Hòa Liên - Túy Loan (Km66 - Km78) đang vướng mắc về vấn đề mặt bằng nên chưa thể thi công. Tại đoạn DA La Sơn - Hòa Liên (Km - Km66), các hạng mục như cầu, cống, công trình, mặt đường bê tông nhựa, hầm Mũi Trâu, hệ thống an toàn giao thông đã cơ bản hoàn thành.

Theo kế hoạch, đến cuối quý II/2020 sẽ tiến hành nghiệm thu Nhà nước, thông xe và tiến hành bàn giao. Còn lại gần 12km đoạn Hòa Liên - Túy Loan đang hoàn thiện các thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh DA cho phù hợp với nguồn vốn và quy hoạch của địa phương...

Tại vị trí nút giao Hòa Liên, BQLDA đã yêu cầu các đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành trước 30/6/2020, nhưng nay vẫn còn 1 hộ gia đình thuộc thôn Quan Nam 1, Hòa Liên chưa bàn giao mặt bằng và 6 hộ dân chưa nhận tiền bảo hiểm gây khó khăn cho công tác thi công. 

Ông Khánh cho biết thêm, trên toàn tuyến La Sơn - Túy Loan, hạng mục quan trọng là trang thiết bị phòng cháy chữa cháy hầm Mũi Trâu cơ bản đã thi công xong, còn một số thiết bị ITS phải nhập ngoại có chậm hơn so với dự kiến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại một số vị trí sụt lún phát sinh trong mùa mưa lũ năm 2019, BQLDA đang phối hợp cùng các địa phương có DA đi qua thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để thi công.

Bế tắc hiện nay là DA bao gồm 258 hồ sơ giải tỏa, đền bù của các hộ dân ở các xã Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Nhơn (Hòa Vang), nhưng chưa thỏa thuận được giá cả đền bù.

Theo khảo sát của Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, việc chậm trễ về giải phóng mặt bằng hiện nay là phần DA đi qua địa phận xã Hòa Nhơn với chiều dài khoảng 6km.

Đến nay, vẫn chưa có số liệu thống kê, đo đạc, kiểm định cụ thể, nhưng theo sơ đồ cắm mốc lộ giới trên chiều dài 6km qua địa phận xã Hòa Nhơn, có đến trên 300ha đất ở, đất sản xuất của người dân bị ảnh hưởng phải giải tỏa đền bù.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho hay, nguồn vốn để thực hiện đền bù là 400 tỷ đồng, còn BQLDA chỉ đáp ứng được khoảng 180 tỷ đồng. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là thiếu nguồn kinh phí để giải quyết tồn tại về đền bù giải tỏa.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng nghiên cứu phương án ưu tiên giải tỏa các hộ có đất nằm trong ranh giới DA để giao mặt bằng cho BQLDA.

Để sớm đưa DA đi vào hoạt động, BQLDA chuẩn bị làm báo cáo xin chủ trương Chính phủ và Bộ GTVT, xin tạm dừng đoạn từ Hòa Liên đi Túy Loan, chuyển sang hình thức đầu tư mới là đầu tư công, dùng vốn trong nước, không dùng vốn vay đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Mục đích là đưa đoạn đường từ Hòa Liên đi La Sơn dự kiến cuối năm sẽ chính thức thông xe, còn khả năng DA đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan thông xe toàn tuyến cùng lúc là rất khó khăn.

Ngọc Phó