Tham dự buổi lễ có các ông: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo bà con nhân dân.

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: "Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhân dân từ bao đời nay có truyền thống cần cù trong lao động, yêu nước nồng nàn, kiên cường, bất khuất, sống nghĩa tình, thủy chung. Ở thời kỳ nào Hà Tĩnh cũng xuất hiện những bậc anh hùng hào kiệt, danh nhân. Trong đó, tiêu biểu là Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, người đã để lại một di sản văn chương đồ sộ, nhất là kiệt tác Truyện Kiều - đỉnh cao của văn học trung đại Việt Nam.

Tròn 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo khoa học, công diễn kịch thơ, triển lãm tranh, tổ chức thi và trao 99 Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ VII và các cuộc thi: “Bạn đọc thuộc Kiều”, “Viết văn tế Đại thi hào Nguyễn Du"; tổng kết Cuộc thi Tìm hiểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Truyện Kiều...

“Kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nguyện cùng nhân dân cả nước gìn giữ, phát huy các di sản của Đại thi hào; trải qua bao thăng trầm dâu bể, nhưng tên tuổi và di sản văn hóa Nguyễn Du mãi mãi xuyên thời đại, luôn là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ người Việt Nam” - ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh.

Lễ tưởng niệm còn có chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với chủ đề “Nguyễn Du, trăm năm trong cõi…” được các nghệ sỹ nổi tiếng thể hiện. Chương trình có 8 trường đoạn, gồm: Khai từ, Tuổi thơ trong nhung lụa, Trôi giữa dòng đời, Non Hồng tức cảnh, Giao hưởng nhạc vũ - kịch Truyện Kiều, Đối thoại với người trong truyện, Văn tế Nguyễn Du, Ngàn năm hậu thế nhớ Nguyễn Du. Mỗi trường đoạn tái hiện lại một mốc lịch sử từ lúc Nguyễn Du lọt lòng đến những biến cố ông phải trải qua trong cuộc đời.

 

Hải Yến