Kích hoạt toàn bộ bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch Covid-19

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, tình hình dịch bệnh còn diễn biễn phức tạp, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19. Đây là công việc phải ưu tiên hàng đầu hiện nay, phải dành thời gian cho công tác phòng chống dịch đạt kết quả.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP có nhiều khu cách ly trên địa bàn nên nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly rất cao, từ đó lây nhiễm ra cộng đồng nếu không đảm bảo tổ chức cách ly tập trung tốt.

“Đối với những khu cách ly tập trung, phải kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu khu cách ly. Những người được đưa vào khu cách ly tập trung phải chấp hành nghiêm những quy định trong khu cách ly tập trung. Không được lơi lỏng và để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền TP lưu ý ngành Y và chính quyền các địa phương cần đặc biệt chú trọng đến việc giám sát sức khỏe người sau cách ly tập trung. Thời gian qua, nhiều trường hợp trên địa bàn cho thấy người sau cách ly tập trung với 3 lần âm tính vẫn có khả năng mắc Covid-19.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi họp. Ảnh: NL 

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, các khu công nghiệp, sở, ngành kích hoạt toàn bộ bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho từng lĩnh vực ở mức cao nhất; phân tích những đường đi mà dịch bệnh xâm nhập vào TP HCM như đường hàng không, cảng hàng hải, đường bộ… tất cả người dân đến địa phương có chuỗi lây nhiễm, ca lây nhiễm thì phải khai báo y tế, tổ chức giám sát những ca nghi ngờ.

“Mỗi quận cần duy trì 1 khu cách ly tập trung ít nhất 20 giường, luôn sẵn sàng có phương án mở rộng lên 50 giường trong vòng 24 ngày, cần thiết mở rộng lên 100 giường. Đối với các khách sạn làm khu cách ly cần quy định rõ chỉ nhận một đối tượng cách ly để theo dõi và lấy mẫu đúng lịch. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất phải luôn có phương án xử lý khi xuất hiện 1 hoặc nhiều ca, tuân thủ thực hiện đúng bộ chỉ số an toàn. Đối với những cơ sở không đảm bảo công tác phòng chống dịch thì tạm thời ngừng hoạt động”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, hiện nay, TP đã có hơn 19.000 tổ Covid-19 cộng đồng với hơn 52.000 thành viên và được tập huấn. Đồng thời lưu ý, thời gian tới cần phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng nhằm phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, những chùm ca bệnh tại cộng đồng; hỗ trợ lực lượng y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân trong cộng đồng; tuyên truyền vận động giám sát sự chấp hành của người dân trong phạm vi bị phong tỏa.

Đối với các quận, huyện có bến cảng, tàu phao neo đậu, tổ Covid cộng đồng cần tuyên truyền những nguy cơ cho người dân sống trong khu vực để hạn chế sự xâm nhập bất hợp pháp từ tàu lên đất liền và tuyên truyền người dân hạn chế giao tiếp với các thuyền viên của tàu.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý, đối với các nhà hàng được phép kinh doanh trên địa bàn TP, cần yêu cầu thực hiện 5K và không tập trung quá 30 người.

Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng Covid-19 cũng là “cơ hội trong khó khăn” để TP đẩy mạnh, nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, ưu tiên phục vụ công tác phòng chống dịch; tăng cường sử dụng các hội nghị trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính viễn thông và phát huy tối đa hệ thống liên thông văn bản giữa các cơ quan nhà nước và trao đổi thông tin qua thư điện tử công vụ.

Bên cạnh đó, nâng cao tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua kênh tương tác trực tiếp; có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử.

Chúng ta chuyển phòng ngự sang tấn công, chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo ứng phó trong tình huống dịch lan rộng. TP sẽ triển khai các khu cách ly tập trung nâng tổng số lên đến 10.000 giường và sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người bệnh Covid-19 theo kế hoạch có sẵn của ngành Y tế; đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo cho 100-200 người bệnh.

Nguy cơ lây lan rất cao sẵn sàng phương án phòng chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến nay, TP HCM có 267 trường hợp mắc Covid-19, ngành Y tế đã điều trị khỏi cho 243 trường hợp, hiện 24 bệnh nhân đang được điều trị, sức khỏe các bệnh nhân ổn định.

Ngày 29/4, TP HCM ghi nhận 1 ca bệnh tại cộng đồng (bệnh nhân 2.910), là F1 của bệnh nhân 2.899 tại Hà Nam. Bệnh nhân sống tại Hà Nam, đến TP HCM ngày 27/4 và lưu trú tại phòng đầu tiên trong dãy nhà trọ số 20 Phạm Đăng Giảng, khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, ngày 4/5, TP HCM ghi nhận 1 ca bệnh là thuyền viên tàu MD SUN đang neo tại Bến Phao Phước Long 5, hết hạn hợp đồng được lên bờ cách ly theo diện nhập cảnh. Xét nghiệm lần 1 có kết quả dương tính (bệnh nhân 3.008). Tiếp tục xét nghiệm 18 thuyền viên trên tàu, phát hiện 2 trường hợp dương tính (bệnh nhân 3.124 và 3.125); 16 thuyền viên còn lại và 74 người tiếp xúc với tàu trong quá trình vào bến, neo đậu, chuyển hàng... đều có kết quả âm tính.

“Mặc dù TP HCM không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch tại Sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021 đến nay, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rất cao do là trung tâm giao thương, kinh tế - xã hội của cả nước. Cùng với đó, sau dịp lễ, số lượng người dân trở về TP rất lớn, không tránh khỏi khả năng xâm nhập từ các ổ dịch trong nước”, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho rằng, TP HCM cũng là cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ, việc neo đậu giữa sông nhiều ngày cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xuống tàu và lên bờ bất hợp pháp, mang theo mầm bệnh xâm nhập cộng đồng.

Một nguy cơ khác nữa đó là, TP có nhiều khu cách ly tập trung trên địa bàn nên dễ lây chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly tập trung. Cùng với đó, TP là địa phương có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin về các trường hợp mắc Covid-19. Ảnh: NL

Theo GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện ngành Y tế dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh); phối hợp giữa cơ sở y tế của TP và Trung ương trên địa bàn TP (24 cơ sở) đảm bảo công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 - 40.000 mẫu đơn). 22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội).

TP cũng đã huy động lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa (400 người) thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.

Các khu cách ly, các ê kíp điều trị hiện đã chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao và chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo năng lực ứng phó cho tình huống dịch lan rộng. TP cũng đã triển khai thêm 4 khu cách ly tập trung, nâng tổng công suất toàn TP lên trên 10.000 giường. Mỗi quận, huyện duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung công suất 100 giường.

Ngành Y tế cũng đã sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh Covid-19 theo kế hoạch, dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100 – 200 người bệnh và nhiều hơn.

“Hiện ngành Y tế TP đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường để trình UBND TP, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.

Nghiêm Lan