Tiếp tục được hưởng các chính sách còn hiệu lực

32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021.  

32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn bao gồm: La Hủ, Phù Lá, La Chí, Kháng, Hà Nhì, Xinh Mun, Co, Tà Ôi, Cơ Tu, Khơ Mú, Bru - Vân Kiều, Mnông, Raglai, Xơ Đăng, Mông, S'tiêng, Gia Rai, Dao, Nùng, Tày, Sán Chay, Lào, Giáy, Giẻ Triêng, Mường, Bahnar, Hrê, Chăm, Ê đê, Cơ Ho, Khmer, Mạ.

14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn, La Ha.

Dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, và đáp ứng một trong các tiêu chí: 

Có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn từ 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỉ lệ hộ nghèo của 53 DTTS; có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của 53 DTTS; có tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 DTTS.

Dân tộc có khó khăn đặc thù là DTTS sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và MN theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, có dân số dưới 10.000 người.

Các dân tộc có khó khăn đặc thù được phê duyệt tại Quyết định số 1227/QĐ-TTg tiếp tục được thụ hưởng các chính sách áp dụng đối với các DTTS rất ít người đã ban hành và còn hiệu lực.

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016 - 2020, chính sách đối với DTTS rất ít người tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm. Các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội đặc thù cho các DTTS rất ít người đã được Chính phủ ban hành và triển khai trong nhiều năm qua, như: Đề án Phát triển giáo dục đối với các DTTS rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; Nghị định quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người; Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025... 

leftcenterrightdel
Nhiều đồng bào DTTS đã chủ động được lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Ảnh: TQ 

Theo đó, nhóm các chương trình, chính sách đặc thù này đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định kinh tế, xã hội, tạo chuyển biến quan trọng, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các DTTS rất ít người.

Ghi nhận tại cộng đồng dân tộc Cờ Lao, thôn Xà Ván, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh (Hà Giang), nơi có 19 hộ với trên 100 nhân khẩu, cho thấy, từ việc thực hiện đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao của Chính phủ, cùng với nhiều chương trình, chính sách khác, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% hộ dân Cờ Lao ở Phú Lũng có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được tiếp cận thông tin, văn hóa… hầu hết các hộ thoát nghèo, dần vươn lên khá giả.

Đối với cộng đồng dân tộc Rơ Măm, một trong những DTTS rất ít người của nước ta, sinh sống tập trung, duy nhất tại thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum), trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 nhân khẩu thuộc 26 hộ. Đến nay, với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le đã có gần 190 hộ, với gần 700 nhân khẩu. Cùng với đó, kinh tế, giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển, văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn hiệu quả…

Cùng với những chính sách đặc thù riêng biệt, trong những năm qua, Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, phát triển vùng DTTS thông qua các chương trình, dự án: Chương trình Giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; Chương trình 135, Chương trình 134... Các chính sách này đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS rất ít người nói riêng. Những chính sách này vẫn còn hiệu lực.

leftcenterrightdel
Đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. Ảnh: TQ 

Thêm nhiều chính sách mới

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Dự án số 9 đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Dự án là sự tích hợp Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” và Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo Ủy ban Dân tộc, việc tích hợp các quyết định trên vào dự án thành phần trong Chương trình MTQG là giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo đủ nguồn lực để tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các DTTS.

Đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù là những DTTS rất ít người, thì đối tượng, mục tiêu, nội dung chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện cơ bản không có sự thay đổi lớn so với các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với những dân tộc có dân số trên 10 nghìn người được đưa vào danh mục nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia sẽ thực hiện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi phù hợp để tạo sinh kế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.

Theo dự thảo báo cáo sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 của Ủy ban Dân tộc, dù còn khó khăn về nguồn thu của ngân sách Trung ương, nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính dành ưu tiên cao nhất cho Chương trình Mục tiêu quốc gia; có phương án cân đối đủ hơn 50 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư và hơn 54 nghìn tỷ đồng vốn chi thường xuyên cho các dự án, tiểu dự án của chương trình theo đúng chủ trương đã được Quốc hội phê duyệt.

Trần Quý