Đổi mới nội dung, phương thức vận động đồng bào dân tộc miền núi

Trong 05 năm qua, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị,  địa phương trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các đơn vị, địa phương về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tăng cường phối  hợp với các sở, ban ngành, địa phương triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả... góp phần phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo vệ rừng; trồng cây xanh trong khu dân cư, không nuôi heo thả rong để giữ gìn vệ sinh môi trường; chủ động liên hệ với các  doanh nghiệp để thu hút lao động, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Raglai để phát triển du lịch  sinh thái, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu  nhập cho người dân ở địa phương; tổ  chức cho một số cán bộ, các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả ở các địa phương khác để về áp dụng tại  địa phương. Tranh thủ vai trò của các già làng, cán bộ hưu trí, đảng viên, cựu chiến binh, người có uy tín trong  việc tham gia hòa giải các vụ việc ở cơ sở; vận động  đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Phòng, chống dịch bệnh Covid -19, khắc phục tình trạng tảo hôn; tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ  lớn của đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp các đoàn thể, tổ chức thành viên và các ngành chức năng huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các DTTS phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, hòa giải các vụ việc xảy ra, ổn định tình hình an ninh nông thôn, góp sức xây dựng Ninh Thuận giàu đẹp, văn minh.

Tăng cường đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan Nhà nước

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 26/8/2016 về việc tiếp tục thực hiện và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và chính quyền địa phương các cấp, giai đoạn 2016-2020.

Kiện toàn lại Ban Chỉ đạo dân vận chính quyền và ban hành một số văn bản chỉ đạo tăng cường công tác dân vận chính quyền và quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; gắn với việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 -CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS.

Làm tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền, góp phần nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khắc phục tệ quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân, luôn tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về nhiệm vụ công chức Nhà nước là “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại 37 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, giúp cho đồng bào đến cơ quan quản lý Nhà nước liên hệ thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi hơn, hạn chế những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thực hiện thủ tục hành chính.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; góp phần phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.

Qua đó góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước các cấp; củng cố được niềm tin của đồng bào DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, đoàn thể

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục có những đổi mới, cách làm hiệu quả, thiết thực, tập trung hướng về cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát động các phong trào thi đua vùng đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh, nhằm khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa của đồng bào, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách dân tộc; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho huyện nghèo Bác Ái (Nghị quyết 30a), chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, quy định chính sách đối với cán bộ người DTTS, Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo… Chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giao rừng khoán quản đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015, giám sát việc xâm canh lấn chiếm đất đai vùng giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Giám sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS huyện Bác Ái; giám sát hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ tại 04 HTX kiểu mới trong đồng bào Chăm.

Phối hợp giám sát việc cấp phát gạo cứu đói, cấp phát quà cho hộ nghèo nói chung và hộ đồng bào các dân tộc nghèo, đặc biệt khó khăn nói riêng trong các dịp lễ, tết đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, không xảy ra khiếu nại.

Tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế tại một số cơ sở y tế vùng đồng bào dân tộc Raglai tại Ninh Sơn, dân tộc Chăm tại Ninh Phước; qua đó để phản ánh với cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan để giải quyết kịp thời những vướng mắc về các chính sách đối với đồng bào.

Phản biện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 và quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân mà dư luận quan tâm.

 

 

Hồng Việt